Tăng xử lý hình sự để kéo giảm tai nạn giao thông

Thứ ba - 09/07/2013 00:00 32 0
Triển khai Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 23-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong giao thông đường bộ, ngày 6-7, tại Văn phòng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn các giải pháp ngăn chặn tai nạn giao thông.

 

Từ nay đến tháng 8-2013 sẽ khắc phục những kẽ hở trong vận tải hành khách, hàng hóa. Ảnh: CAO THĂNG

Thay đổi cách thực hiện

Tại hội nghị trực tuyến, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề cần xử lý nghiêm tình trạng vi phạm về trật tự an toàn giao thông, xác định trách nhiệm của từng thành viên Ủy ban an toàn giao thông ở các tỉnh, thành và thay đổi cách thức thực hiện các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Không thể tiến hành các giải pháp chung chung như lâu nay. Các đồng chí là trưởng, phó ban an toàn giao thông, giám đốc sở các tỉnh, thành cần đưa ra những sáng kiến, cách làm mạnh mẽ có hiệu quả thiết thực”. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, cũng nhận định “thuốc” và liều lượng đã bốc đúng, chỉ còn cách uống.

Theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng, các đại diện bộ, ngành, địa phương cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại trong công tác quản lý, đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị nhằm thực hiện triệt để các giải phải kéo giảm tai nạn giao thông.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng để thực hiện giải pháp căn cơ làm thay đổi về chất công tác quản lý hoạt động vận tải cần tái cơ cấu theo hướng hiện đại để tạo ra những đơn vị vận tải đủ mạnh. Các đơn vị vận tải phải tổ chức quản lý tập trung, xóa bỏ tình trạng khoán trắng cho lái xe, không chấp nhận hình thức lái xe mua xe gửi vào doanh nghiệp, hợp tác xã để kinh doanh cá nhân. Lái xe chỉ có nhiệm vụ lái xe an toàn và được hưởng tiền lương, thưởng theo năng suất, chất lượng hàng tháng.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn các điều kiện kinh doanh vận tải theo các tiêu chí: quy mô doanh nghiệp, chất lượng phương tiện, trình độ quản lý, trình độ lái xe, chất lượng dịch vụ… Đơn vị đạt loại cao mới được phép hoạt động đường dài liên tỉnh; đơn vị đạt loại thấp chỉ cho phép hoạt động đường ngắn nội tỉnh - nội huyện.

Liên quan đến việc xử lý nghiêm các hành vi gây tai nạn giao thông, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, chia sẻ kinh nghiệm: “Không chỉ vận động, tuyên truyền mà phải xử phạt nghiêm. Các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng cần phải được xử lý hình sự”. Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt cũng kiến nghị, cần thay đổi một số điều của Luật Giao thông đường bộ, khởi tố để sớm đưa ra xét xử một số trường hợp vi phạm điển hình trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông.

Quyết liệt hành động

Thực hiện các giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn tai nạn giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã nêu ra 8 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, từ nay đến tháng 8-2013 sẽ ban hành hàng loạt các thông tư mới nhằm siết chặt quản lý, khắc phục ngay những kẽ hở dễ phát sinh tiêu cực trong vận tải hành khách và hàng hóa bằng xe ô tô.

Ngay trong năm 2013, Bộ GTVT trình Chính phủ kế hoạch xây dựng Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ thay thế Nghị định 91/2009/NĐ-CP và 93/2012/NĐ-CP, quy định chặt chẽ hơn về điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa đường bộ, dự kiến Chính phủ sẽ ban hành vào đầu năm 2014. Bộ trưởng cũng đề nghị, 6 tháng cuối năm 2013 phải tập trung kiểm soát chặt chẽ người thực thi công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm người thực thi công vụ rồi mới đến người tham gia giao thông.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố và khẳng định, đảm bảo trật tự an toàn giao thông không phải chỉ có ngành GTVT và công an, yêu cầu tất cả các bộ ngành, các tổ chức đoàn thể phải vào cuộc.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT cần khẩn trương xây dựng, ban hành các thông tư mới nhằm đưa hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bằng xe ô tô là loại hình kinh doanh đặc biệt, có điều kiện. Các sở GTVT địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cương quyết không để tồn tại vùng trống về quản lý trong kinh doanh vận tải. Công tác đăng kiểm phải được kiểm tra chặt chẽ, đúng quy trình, đặc biệt là xe khách, chấm dứt ngay tình trạng tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm.

Bên cạnh đó, cần xem xét quy định xử phạt hành chính theo hướng tăng nặng hình thức xử phạt đối với từng loại lỗi vi phạm, hình sự hóa những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phải có những giải pháp cấp bách để kéo giảm tai nạn giao thông nghiêm trọng. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, tuần tra lưu động, phải xử lý nghiêm cho dù là đối tượng nào; đầu tư khoa học công nghệ cho công tác tuần tra kiểm soát; luân chuyển cán bộ trong tuần tra kiểm soát... để nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử phạt vi phạm an toàn giao thông.

Lãnh đạo lực lượng chức năng phải thường xuyên mặc thường phục đi kiểm tra thực tế, các trưởng ban an toàn giao thông cần nghiêm khắc xử lý với những sai phạm trên địa bàn tỉnh, nhất là tình trạng uống rượu bia buổi trưa. Đồng thời, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm để thực hiện thành công mục tiêu giảm 10% về tai nạn giao thông.

Theo http://www.sggp.org.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây