Đề án quy định giá dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ năm - 27/07/2017 16:00 111 0
Trong những năm vừa qua, tình hình tệ nạn ma túy trong nước nói chung và Tây Ninh nói riêng diễn biến phức tạp và khó kiểm soát; Việc sử dụng ma túy tổng hợp , ma tuý đá, hút cần sa có chiều hướng gia tăng gây mất an ninh trật tự xã hội, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

​Tính đến ngày 15/11/2016, toàn tỉnh có khoảng 3.396 người nghiện chích ma túy (Thành phố 484, Hòa Thành 538, Gò Dầu 416, Trảng Bàng 308, Tân Châu 487, Châu Thành 273, Bến cầu 251, Tân Biên 381, DMC 258). Trước thực trạng trên, ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát tình trạng sử dụng ma túy, góp phần giảm tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong nhóm nghiện chích ma túy như: Quản lý cai nghiên tập trung; Cai nghiện ma tuý tại gia đình; Cơ sở điều trị Methadone... đã đạt được một số kết quả nhất định.

Thực hiện Quyết định số 2761/QĐ-UBND ngày 03/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thí điểm chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2014-2015. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện triển khai thí điểm 02 cơ sở điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone: Cơ sở điều trị Methadone thành phố Tây Ninh được thành lập từ tháng 03/2015, cơ sở điều trị Methadone xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu thành lập từ tháng 11/2015. Tính đến ngày 28/2/2017, tổng số bệnh nhân đang được điều trị là 355, trong đó, cơ sở điều trị Methadone thành phố Tây Ninh là 188 bệnh nhân, cơ sở điều trị Methadone xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu là 167 bệnh nhân. Qua hơn 02 năm triển khai điều trị Methadone tại tỉnh Tây Ninh đã đạt được một số kết quả. Về mặt sức khoẻ, khi tham gia điều trị thì nguy cơ mắc mới các bệnh truyền nhiêm như Lao, HIV, viêm gan B, C...giảm. Bệnh nhân tăng cân, những người có tác dụng phụ trong giai đoạn duy trì giảm nhiều lần so với giai đoạn dò liều, không có bệnh nhân tử vong, ngộ độc do Methadone trong quá trình điều trị.

Về việc sử dụng ma tuý của bệnh nhân, kết quả khảo sát cho thấy số lượng bệnh nhân sử dụng ma túy sau khi điều trị tháng thứ 3 là 10%, sau khi điều trị tháng thứ 6 không còn trường hợp nào dương tính với kểt quả xét nghiệm nước tiểu về ma túy. Chương trình đã được sự đồng thuận của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, sự ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là sự tham gia tích cực của người nghiện chích ma tuý và gia đình. Bệnh nhân sau khi uống Methadone có cải thiện tốt về mặt sức khỏe, chuyển biến tích cực về thái độ cũng như cuộc sống, an ninh trật tự xã hội được đảm bảo.

Đến nay, bệnh nhân đang được uống thuốc miễn phí do dự án Quỹ toàn cầu tài trợ nhưng đến năm 2017 dự án ngưng tài trợ thuốc nên để đảm bảo bệnh nhân tiếp tục duy trì uống thuốc và hiệu quả của việc điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đạt hiệu quả, Sở Y tế xây dựng “Đề án quy định giá dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”.

Việc xây dựng Đề án nhằm huy động một cách hiệu quả các nguồn lực xã hội đóng góp cho việc duy trì và phát triển bền vững chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, cụ thể là thực hiện thu một phần chi phí điều trị Methadone từ bệnh nhân tham gia chương trình.

Đối tượng áp dụng bao gồm cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, cung ứng và sử dụng dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại các cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Mức giá thu dịch vụ Methadone thực hiện giá dịch vụ đối với các bệnh nhân điều trị bằng thuốc methadone từ năm 2017 trở đi theo hướng dẫn Thông tư số 35/2014/TT-BYT ngày 13/11/2014 Quy định định mức kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Với mức thu và lộ trình của 08 loại dịch vụ bao gồm: Khám ban đầu; Khám khởi liều điều trị; Khám định kỳ; Tại cơ sở điều trị thay thế; Tại cơ sở cấp phát thuốc điều trị thay thế; Tư vấn cá nhân; Tư vấn nhóm; Tiền thuốc Methadone.

Giá dịch vụ đối với bệnh nhân, đối với bệnh nhân được hỗ trợ theo Nghị định 90/2016/NĐ-CP gồm: Người tham gia điều trị nghiện trong cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam; Thương binh, người bị nhiễm chất độc hoá học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, người nghèo, người cao tuổi không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng

Mức hỗ trợ  theo Thông tư liên tịch số 25/2014/TTLT-BYT-BTC, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí khám sức khoẻ, thuốc điều trị nghiện cho các đối tượng người tham gia điều trị nghiện trong cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam. Tối thiểu 95% những người như: Thương binh, người bị nhiễm chất độc hoá học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, người nghèo, người cao tuổi không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng

Ngân sách nhà nước không tiếp tục hỗ trợ các đối tượng quy định tại Khoản 1, Điều 3 Thông tư liên tịch số 25/2014/TTLT-BYT-BTC, ngày 16/7/2014 của Bộ Y tế-BộTài Chính trong các trường hợp như sau: Người bệnh không tuân thủ quy định chuyên môn của cơ sở điều trị;  Bị chấm dứt điều trị theo quy định tại Khoản 2, Điều 10, Nghị định số 90/2016/NĐ-CP như không tuân thủ quy trình chuyên môn về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện từ 02 lần trở lên trong vòng 06 tháng. Có xét nghiệm dương tính với các chất dạng thuốc phiện liên tiếp từ 02 lần trở lên (trừ thuốc điều trị thay thế) trong vòng 12 tháng sau khi đã đạt liều điều trị duy trì. Có xét nghiệm dương tính với các chất ma tuý khác ngoài các chất dạng thuốc phiện. Có hành vi xâm hại tài sản của cá nhân, tổ chức; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội;   Được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khác trong cùng một nội dung chi.

Đối với bệnh nhân không được hỗ trợ, thu đủ 100% phí điều trị (gồm tiền khám bệnh và tiền thuốc)

Khoản thu từ dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế được để lại toàn bộ cho đơn vị sử dụng. Việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ dịch vụ thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Kinh phí thực hiện đề án từ ngân sách nhà nước, nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, nguồn viện trợ, tài trợ và các huy động đóng góp từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Xem chi tiết Đề án tại đây!260.rar

MN


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây