An toàn giao thông đường thủy

Thứ sáu - 16/08/2013 00:00 67 0
Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, số người chết vì TNGT đường thủy hiện chỉ chiếm 1% so với TNGT đường bộ. Nhưng điều đáng nói là hầu hết các vụ tai nạn đường thủy đều để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng, tác động xấu đến đời sống xã hội.

Ngay sau khi thảm họa chìm ca-nô ở Cần Giờ xảy ra, Bộ Giao thông vận tải đã thành lập khẩn cấp Ban chỉ đạo trực tiếp truy tìm nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan; phối hợp các cơ quan chức năng đưa ra giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn các tai nạn đường thủy có thể xảy ra. Thông tin bước đầu cho thấy, đây là một trong những vụ "đặc trưng" về việc người điều khiển phương tiện đã phớt lờ các quy định tối thiểu về ATGT đường thủy và qua đó, bộc lộ những bất cập lớn trong công tác quản lý phương tiện, phối hợp cũng như chỉ đạo cứu nạn. Không chỉ khi xảy ra thảm họa ở Cần Giờ các cơ quan chức năng mới nhận ra, mà trước đó, vụ lật tàu Dìn Ký tối 20-5-2011 cướp đi sinh mạng 16 người cũng đã gióng lên hồi chuông báo động, song tất cả chỉ như "đá ném ao bèo". Vụ tai nạn này đã để lại bài học xương máu, các cơ quan quản lý cần rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc nhằm tránh những thảm họa tương tự.

Hiện nay, trong tổng số gần 42 nghìn km chiều dài các con sông, kênh rạch có hoạt động giao thông thủy, các cơ quan quản lý trung ương và địa phương mới "quản" chưa đầy một nửa. Các phương tiện thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm rất thấp, mặt khác hạ tầng đường thủy cũng không tốt, biển báo, phao tiêu, luồng lạch chưa được đầu tư đồng bộ, phương tiện tàu, thuyền thường bị các vật trôi nổi bám cuốn vào chân vịt, làm chết máy, gây nguy hiểm cho người và phương tiện. Hoạt động của tàu cao tốc cánh ngầm (loại tàu pha sông - biển) thời gian gần đây cũng phát lộ nguy cơ cao đối với hành khách. Cả nước có 224 tàu cánh ngầm, chủ yếu chạy trên tuyến Hải Phòng - Cát Bà và TP Hồ Chí Minh - Vũng Tàu, độ tuổi phổ biến 13,5 năm. Đội tàu già cỗi, nhiều lần cải hoán, không ít chiếc chỉ có một động cơ, phù hợp trong đường thủy nội địa, cho nên thường xuyên bị chết máy, trôi dạt trên biển và va chạm vào phương tiện khác. Loại tàu này thường chạy với tốc độ cao, tạo sóng lớn, gây nguy hiểm đối với các phương tiện khác cùng tham gia giao thông. Ngày 8-8 vừa qua, bão số 6 chưa tan trên vùng biển Hải Phòng, mặc dù đang có lệnh cấm các phương tiện ra khơi, nhưng một tàu cánh ngầm vẫn bất chấp quy định, tự ý xuất bến chở 40 khách ra đảo Cát Hải. Chuyện vi phạm chở quá số lượng hành khách thiết kế trên tàu cánh ngầm diễn ra khá phổ biến, phớt lờ các quy định về ATGT.

Thực tế cho thấy, mỗi khi TNGT đường thủy xảy ra, hậu quả để lại hết sức nặng nề. Soi lại các quy định bảo đảm ATGT đường thủy, mới thấy từ trước đến nay, công tác quản lý vẫn còn nhiều "lỗ hổng" cần sớm khắc phục. Cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa các quy định về niên hạn sử dụng, quy chuẩn tàu cao tốc cánh ngầm, xem xét thời gian giữa hai lần đăng kiểm để từng bước loại bỏ các phương tiện cũ kỹ, lạc hậu; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nâng cao ý thức của các chủ phương tiện về đăng ký, đăng kiểm nhằm bảo đảm ATGT. Các quy định, quy chuẩn về đăng kiểm hiện đã khá đầy đủ, chặt chẽ và rõ ràng, tuân theo quy chuẩn quốc tế, lực lượng chức năng cần bám theo đó để nâng cao trách nhiệm kiểm soát tàu, thuyền, cấp phép rời bến, quản lý vận tải hành khách,... Ngoài ra, cần quy định cụ thể vùng hoạt động của tàu, thuyền, yêu cầu chủ phương tiện chở khách đầu tư trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, các thiết bị hỗ trợ hành trình như ra-đa, hệ thống GPS định vị, thông tin liên lạc; phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng chức năng, huy động tốt lực lượng tại chỗ, giải quyết, xử lý kịp thời các sự cố đường thủy xảy ra.

                                                                                                      Thành Hưng (Theo Báo Nhân dân)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây