Cách mạng tháng Tám 1945 và bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Chủ nhật - 09/08/2015 09:00 48 0
Cách mạng tháng Tám đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu, nhưng có thể nói, bài học lớn nhất, sâu sắc nhất là bài học về phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giành và giữ chính quyền, bài học về “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Võ Hoàng Khải

(Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ)

Khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn (8.1945).

Cách đây vừa tròn 70 năm, chỉ trong khoảng hai tuần cuối tháng 8.1945, toàn dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhất tề vùng lên trong cuộc tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 là một trong những trang sử vẻ vang nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; đập tan ách nô lệ của phát-xít Nhật, lật đổ ách thống trị hơn 80 năm của thực dân Pháp, xoá bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Nói về tầm vóc và ý nghĩa lớn lao của Cách mạng tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chẳng những giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Cách mạng tháng Tám là một sự kiện kỳ diệu trong lịch sử dân tộc Việt Nam và nhân loại. Đó là cuộc cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân diễn ra trong thời gian ngắn nhất - chỉ 15 ngày, với tổn thất nhỏ nhất nhưng thành công lớn nhất, triệt để nhất, đến nay vẫn chưa một lần được lặp lại trong lịch sử nhân loại.

Cách mạng tháng Tám đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu, nhưng có thể nói, bài học lớn nhất, sâu sắc nhất là bài học về phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giành và giữ chính quyền, bài học về “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua Mặt trận Việt Minh, sức mạnh vô địch của hơn 20 triệu đồng bào thuộc các giai tầng xã hội đã được phát huy và nhân lên gấp bội. Cả nước nhất tề đứng lên đập tan bộ máy cai trị thực dân - phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân: “Bắc, Trung, Nam khắp ba miền. Toàn dân khởi nghĩa chính quyền về tay”.

70 năm sau “cuộc cách mạng trời long đất lở” tháng Tám năm 1945, dân tộc Việt Nam đang tiến những bước dài trong sự nghiệp đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Chúng ta từ một dân tộc đói rách, mù chữ, hai chữ “Việt Nam” không có tên trên bản đồ thế giới nay đã trở thành một quốc gia độc lập, có quan hệ ngoại giao với gần 180 nước, có quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ, có tiếng nói ngày càng quan trọng trên trường quốc tế…

Bên cạnh những thành tựu “to lớn, có ý nghĩa lịch sử” đạt được, đất nước ta đang phải đối diện với nhiều thách thức không nhỏ. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hoà bình” chống phá ta, lợi dụng các vấn đề “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”… nhằm gây áp lực với Đảng, Nhà nước, âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với Quân đội và nhân dân;

Đòi “phi chính trị hoá” lực lượng vũ trang, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng; tình hình biển Đông đang diễn biến phức tạp, nghiêm trọng...

Những thách thức trên là không nhỏ, càng đòi hỏi Đảng ta và nhân dân ta tiếp tục phát huy cao độ những bài học quý giá của Cách mạng tháng Tám 1945 trong bối cảnh tình hình mới, nhất là bài học về củng cố, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.

Sự thật lịch sử đã chứng minh hùng hồn rằng, bất luận trong hoàn cảnh nào, gặp phải thách thức lớn đến đâu, chỉ có sự đồng lòng, nhất trí của toàn dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng mới là sức mạnh lớn nhất để chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức của thời cuộc.

Để tập hợp được sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, quan trọng nhất là phải kiên trì, quyết tâm xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh trên cơ sở lấy dân là gốc; phải dựa vào dân, lo cho dân, bồi dưỡng sức dân, làm cho dân giàu, nước mạnh.

Muốn vậy, phải không ngừng đổi mới và hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên nguyên tắc cốt lõi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra: “Bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên hết thảy.

Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”. Song song đó, phải làm cho pháp chế xã hội chủ nghĩa vững mạnh.

Trật tự pháp chế xã hội chủ nghĩa tốt là trật tự mà trong đó người dân tự giác tuân thủ pháp luật, tôn trọng và tin tưởng vào người cầm cân nảy mực, không còn tình trạng người dân tự xử sai luật, sử dụng bạo lực để giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn ngoài xã hội.

Điều này đòi hỏi Nhà nước phải bảo đảm cho pháp luật trở thành chỗ dựa vững chắc của mọi người dân trong việc phân xử đúng, sai; cán bộ các cơ quan tố tụng phải vững nghiệp vụ, phải “phụng công thủ pháp, chí công vô tư” để nhân dân noi theo.

Có như thế, khi phát sinh các tranh chấp dân sự mà người dân không thể tự giải quyết với nhau được, người ta mới tin tưởng nhờ cơ quan công quyền, toà án giải quyết. Một khi trật tự pháp chế mạnh, được tôn trọng thì Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân mà Đảng và nhân dân ta đang nỗ lực xây dựng mới vững chắc; nhân dân mới trọn vẹn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Khi nước đã mạnh, dân đã giàu, lòng dân đã yên thì với một quân đội mạnh, mang trong mình truyền thống “trung với Đảng, hiếu với dân”, nhất định chúng ta có được nguồn sức mạnh vô địch đủ sức đưa dân tộc Việt Nam vượt qua mọi sóng to, gió lớn của thời cuộc, làm thất bại mọi mưu toan, hành động của bất kỳ thế lực bên ngoài nào muốn phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của dân tộc, xâm phạm chủ quyền và sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. 

Nhớ lại, sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết ra một chân lý: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai thắng được lực lượng đó”; “Sử dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”.

Gần đây, trong một bài viết nhân dịp kỷ niệm 69 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lại đặc biệt nhấn mạnh: “Chúng ta không sợ bất cứ một thế lực nào, dù là hung bạo nhất.

Chúng ta chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ ta. Khối đoàn kết, thống nhất, đồng tâm hiệp lực của hơn 90 triệu đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài sẽ là sức mạnh vô địch để giữ gìn, bảo vệ non sông đất nước Việt Nam mãi mãi trường tồn”.

Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám năm 1945, chúng ta tự hào về một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

Đồng thời, chúng ta càng thấm thía những bài học kinh nghiệm, nhất là bài học về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, rút từ cuộc cách mạng vĩ đại đó vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân” ngày nay.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây