Quy định về phòng ngừa mua bán người

Thứ năm - 12/06/2014 00:00 34 0
Trong những năm gần đây, mua bán người đã trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong toàn xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Để vấn nạn này dần hạn chế và không còn tồn tại thì việc phòng ngừa là nội dung mà các cơ quan nhà nước cũng như mỗi cá nhân cùng thực hiện.

 

 

Theo Luật Phòng, chống mua bán người, quy định về phòng chống mua bán người có thể chia làm hai nhóm.

Nhóm thứ nhất quy định về các biện pháp phòng ngừa chung, bao gồm: Thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người. Mục đích chính của biện pháp này là nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng đối với công tác phòng, chống mua bán người, về mối hiểm họa của mua bán người, làm cho mọi người đề cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống mua bán người, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân bị mua bán.

Tư vấn về phòng ngừa mua bán người, đây là biện pháp cụ thể hoá biện pháp thông tin, tuyên truyền, giáo dục đối với từng đối tượng cụ thể nhằm cung cấp cho họ những thông tin thiết thực, giúp họ giải quyết những tình huống cụ thể, trong đó tập trung vào một số đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của tội phạm về mua bán người.

   Và Quản lý về an ninh, trật tự là một trong những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhằm hạn chế, tiến tới loại trừ nguyên nhân và điều kiện dẫn đến nguy cơ mua bán người chính là làm tốt công tác quản lý về an ninh, trật tự không chỉ trong nội địa mà cả khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển.

Xuất phát từ nhận thức có một số lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ rất nhạy cảm, dễ có nguy cơ bị lợi dụng để mua bán người, Luật Phòng, chống mua bán người xác định rõ phải quản lý, kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ đối với các hoạt động hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, cho, nhận con nuôi, giới thiệu việc làm, đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, dịch vụ văn hoá, du lịch và các hoạt động kinh doanh, dịch vụ có điều kiện khác dễ bị lợi dụng nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người.

Lồng ghép nội dung phòng ngừa mua bán người vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đây là biện pháp nhằm góp phần hạn chế, tiến tới loại trừ nguyên nhân và điều kiện của tình trạng mua bán người là phải phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện có hiệu quả chính sách xoá đói, giảm nghèo, chính sách việc làm, .... nhằm nâng cao đời sống nhân dân.

Nhóm thứ hai quy định về các biện pháp phòng ngừa thông qua hoạt động của các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ; nhà trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo; cơ quan thông tin đại chúng; sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt trận cũng như sự tham gia của cá nhân và gia đình trong công tác phòng ngừa mua bán người, cụ thể:

Xuất phát từ nhận thức trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người thì mỗi cá nhân, gia đình có vai trò quan trọng, từng cá nhân phải tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc phòng ngừa để không trở thành nạn nhân bị mua bán. Đồng thời, cũng cần có trách nhiệm trong việc phòng ngừa tội phạm này, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, giúp đỡ họ ổn định cuộc sống. Mỗi cá nhân kịp thời báo tin, tố giác, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền những hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên là một trong những đối tượng mà công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người hướng trọng tâm đến. Do vậy, nhà trường, cơ sở giáo dục đào tạo tham gia tích cực vào công tác phòng ngừa mua bán người nói chung và công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nói riêng là hết sức quan trọng.

Cơ quan thông tin đại chúng cũng có vai trò quan trọng trong công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống mua bán người. Đây là một kênh quan trọng tác động trực tiếp tới ý thức của từng người dân trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và mua bán người nói riêng. Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm đưa tin kịp thời, chính xác các thông tin liên quan đến lĩnh vực phòng, chống mua bán người.

Cùng với các cơ quan nhà nước, các đoàn thể xã hội luôn đóng vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người, đặc biệt là trong công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tư vấn về phòng, chống mua bán người cũng như công tác hỗ trợ nạn nhân. Thực tiễn cho thấy, các đoàn thể xã hội ở cơ sở, nhất là các Chi Hội Phụ nữ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động phòng, chống mua bán người cũng như tư vấn, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ vay vốn cho nạn nhân.

Theo Báo Nhân dân Điện tử, người dân trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam khi nắm bắt về các đường dây hoặc nghi vấn về hoạt động mua bán người có thể gọi điện trình báo theo số tổng đài 069.37077 hoặc gửi thư cung cấp thông tin về địa chỉ email phongchongmuabannguoi@gmail.com. Ðường dây nóng do lực lượng của Cục CSÐT tội phạm về trật tự xã hội Bộ Công an (C45B) sẽ tiếp nhận và xử lý thông tin 24/24

Hoàng Mai (tổng hợp)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây