Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2023

Thứ năm - 30/11/2023 07:59 293 0
Trong tháng 12/2023, nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực như: giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước; quy định mới về mức thu lệ phí cấp giấy phép lái xe qua mạng; nhiều đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước

Từ ngày 1/12/2023, Quyết định 11/2023/QĐ-TTg chính thức có hiệu lực. Quyết định này quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiền.

Đối tượng áp dụng là tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền.

Theo đó, các giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên thì phải thực hiện báo cáo với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hiện hành quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là 300 triệu đồng.

Quy định mới về mức thu lệ phí cấp giấy phép lái xe qua mạng

Ngày 16/10/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 63/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về phí, lệ phí nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2023.

Đáng chú ý, mức thu phí, lệ phí trường hợp tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe (quốc gia và quốc tế) theo hình thức trực tuyến kể từ ngày 1/12/2023 đến hết 31/12/2025 áp dụng mức thu lệ phí là 115.000 đồng/lần cấp.

Kể từ ngày 1/1/2026 trở đi, áp dụng mức thu lệ phí quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 37/2023/TT-BTC.

Ảnh minh họa.

'Gỡ nút thắt' trong thanh toán khám chữa bệnh BHYT

Kể từ ngày 3/12/2023, Nghị định 75/2023NĐ-CP của Chính phủ sẽ có hiệu lực. Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146 ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Nghị định gỡ được các “nút thắt” vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế để tạo thuận lợi cho công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Theo đó, đã bổ sung đối tượng là người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.

Bổ sung đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020…

Nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng là người có công với cách mạng quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP như thanh niên xung phong; cán bộ, chiến sĩ Công an đã được giải quyết hưởng chế độ theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Dân công hỏa tuyến.

Ảnh minh họa.

Người bị bạo lực gia đình sẽ được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh

Để quy định chi tiết Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 76/2023/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 25/12/2023.

Theo đó, Điều 38 Nghị định 76/2023/NĐ-CP đã quy định mức hỗ trợ cho người bị bạo lực gia đình gồm các khoản:

Tư vấn tâm lý, cung cấp kỹ năng ứng phó với bạo lực gia đình: Theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; hỗ trợ nhu cầu thiết yếu khi thực hiện cấm tiếp xúc: Mức chi như đối tượng bảo trợ xã hội.

Thanh toán chi phí khám chữa bệnh nếu người bị bạo lực gia đình bị tổn hại sức khỏe được chăm sóc, điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Sửa Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình

Thông tư 09/2023/TT-BXD sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, có hiệu lực từ ngày 1/12/2023.

Đối với hồ sơ thiết kế xây dựng đã hoàn thành thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, trước ngày 1/12/2023, tiếp tục được thực hiện theo hồ sơ thiết kế đã thẩm duyệt.

Hồ sơ thiết kế xây dựng đã có văn bản góp ý trả lời về thiết kế phòng cháy chữa cháy tại bước thiết kế cơ sở của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy, trước ngày 1/12/2023, tiếp tục được thực hiện thẩm duyệt thiết kế theo văn bản góp ý trả lời.

Hồ sơ thiết kế xây dựng chưa được góp ý và thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kể từ ngày 1/12/2023, thì phải tuân thủ các quy định của QCVN 06:2022/BXD và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD.

Nguồn TPO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây