Chuyển đổi số - Hướng đi tất yếu của các Hợp tác xã nông nghiệp

Thứ bảy - 01/10/2022 09:00 117 0
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuyển đổi số trong nông nghiệp là cách làm nông nghiệp khác với truyền thống trước kia dựa vào dữ liệu và công nghệ số mà cụ thể đó là việc ứng dụng công nghệ số một cách đồng bộ vào tất cả các khâu từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định nông nghiệp là một trong 8 ngành ưu tiên chuyển đổi số. Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp nói chung và trong lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) nói riêng vừa là đòi hỏi nhưng cũng là hướng đi tất yếu trong những năm tới. Chuyển đổi số trong HTX nông nghiệp giúp HTX thay đổi phương thức quản lý và phương thức tổ chức sản xuất kinh doanh nhằm sản xuất ra sản phẩm chất lượng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.

HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh là một trong 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cả nước. HTX được thành lập và chính thức đi vào hoạt động tháng 9 năm 2005. HTX chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 vào tháng 7 năm 2014.

HTX cung ứng giống cây trồng, cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp; tiêu thụ mãng cầu, thu mua chế biến nông sản; sản xuất, truyền tải và phân phối điện năng lượng mặt trời hòa vào điện lưới. HTX có 32 thành viên, vốn điều lệ 2 tỷ đồng.

Với thực trạng, nhu cầu, những cơ hội và thách thức trong việc chuyển đổi số, trong thời gian qua, HTX đã từng bước ứng dụng khoa học công nghệ vào trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và quản lý tại HTX.


Thu hoạch mãng cầu ở HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân

Như trong khâu sản xuất, sản phẩm chính của HTX là quả mãng cầu, sản xuất theo quy trình chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, đã được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP với diện tích gần 25,7ha và đang nhân rộng phát triển diện tích cho các thành viên, hướng đến sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Trong quá trình chăm sóc, HTX đã ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân, từ đó tiết kiệm nước, chi phí, tăng năng suất.

Trong khâu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, HTX đã thử nghiệm phun thuốc bằng thiết bị bay-Drone cho cây mãng cầu, nhằm thay thế và giảm ảnh hưởng đến sức khỏe cho nhân công làm việc trực tiếp, tiếp xúc thuốc, tiết kiệm thời gian, chi phí, sử dụng linh hoạt trong điều kiện thời tiết thay đổi…. được đánh giá hiệu quả cao.

Sản phẩm có mã QR-code giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất được nguồn gốc, quy trình sản xuất và thông tin dinh dưỡng của sản phẩm. Nhờ áp dụng công nghệ, minh bạch trong sản xuất mà các sản phẩm mãng cầu HTX đã chinh phục được người tiêu dùng.

Trong khâu chế biến sâu, được sự hỗ trợ của nhà nước trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, HTX đang tiến hành xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm sau thu hoạch của mãng cầu, với chức năng phân loại quả mãng cầu bằng máy tự động; xử lý bảo quản kéo dài thời gian quả chín; dây chuyền sản xuất chế biến các sản phẩm (như nước mãng cầu lên men đóng lon; sữa chua mãng cầu; Nestar mãng cầu). Các thiết bị được trang bị tự động, số hóa.

Ở bộ phận quản lý, các bộ phận chuyên môn đều được trang bị hệ thống máy vi tính và được lắp đặt kết nối nội bộ, quản lý bằng hệ thống phần mềm.

Trong hoạt động bán hàng, giới thiệu sản phẩm, HTX có trang web với địa chỉ www.htxnnmangcauthanhtan.vn để quảng bá, giới thiệu và kết nối thị trường; xây dựng thương hiệu và logo của HTX; đang triển khai bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.


Trang web của HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân

Từ khi thành lập đến nay, HTX xác định mục tiêu và xuyên suốt cho quá trình hoạt động là sản phẩm phải đạt chất lượng tốt nhất, được người tiêu dùng tin yêu; luôn tìm tòi, cải tiến và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động.

Chuyển đổi số không là xu thế ngắn hạn mà là một hành trình xuyên suốt liền mạch để không ngừng phát triển - Đó là nhận định của HTX đối với quá trình phát triển của chính mình hiện nay và trong thời gian tới.

Để chuyển đổi số trong phát triển HTX nông nghiệp hiệu quả hơn trong thời gian tới, HTX kiến nghị nhà nước hỗ trợ HTX thúc đẩy chuyển đổi số, hỗ trợ các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; hỗ trợ chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho khu vực kinh tế tập thể, HTX; kết nối tiêu thụ nông sản trong lĩnh vự nông nghiệp cho HTX phù hợp với Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện; hỗ trợ các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ công nghệ thông tin và kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ quản lý HTX.

Những kiến nghị của HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân xuất phát từ những khó khăn gặp phải khi thực hiện chuyển đổi số. Đó cũng là khó khăn chung của các HTX nông nghiệp hiện nay theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Với những khó khăn đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, các HTX nông nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ số tự động hóa vào các quy trình sản xuất, kinh doanh; tập trung thử nghiệm triển khai sáng kiến "Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi HTX là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số" với mục tiêu mỗi nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ…) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp…

Gia Thọ


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây