Đổi mới triển khai chương trình MTQG nông thôn mới

Thứ năm - 12/10/2017 15:00 127 0
Tính đến tháng 9/2017, UBND tỉnh đã công nhận và công bố 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh lên 22 xã, chiếm 27,5% số xã toàn tỉnh.

tramcapnuocsach.jpg

Trạm cấp nước sạch xã Suối Dây, huyện Tân Châu. (Ảnh Lê Bi)

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Nông thôn,  nhìn chung Chương trình MTQG nông thôn mới luôn được cấp ủy, Ban Chỉ đạo, UBND cấp huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc; các kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2017 đã được xây dựng và triển khai; bộ máy chỉ đạo, giúp việc các cấp từng bước được rà soát, kiện toàn; việc nâng cao kiến thức, năng lực quản lý điều hành, thực thi của cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp. Ban Chỉ đạo, UBND cấp huyện đều tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình MTQG nông thôn mới ngay từ đầu năm, nhất là ở 08 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 (gọi tắt 08 xã), công tác kiện toàn Ban Chỉ đạo, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới cấp huyện cũng như việc phân công các phòng, ngành chuyên môn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các xã trong quá trình thực hiện được quan tâm, đến nay có 03 huyện: Bến Cầu, Trảng Bàng, Tân Châu đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG; các quy chế hoạt động, quy chế phối hợp được điều chỉnh, bổ sung; duy trì họp định kỳ Ban Chỉ đạo theo đúng quy chế; chỉ đạo 08 xã tổ chức điều tra, khảo sát thực trạng theo Quyết định số 1200/QĐ-UBND ngày 31/5/2017 của UBND tỉnh ban hành Quy định Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 - 2020 để định hướng các nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới. Ban Chỉ đạo cấp huyện đã đặt quyết tâm hoàn thành mục tiêu 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2017.

Công tác tuyên truyền, hướng dẫn được quan tâm triển khai; công tác phối hợp với MTTQVN, các đoàn thể thực hiện Chương trình tiếp tục được phát huy và đạt được một số kết quả thiết thực; nhận thức của hệ thống chính trị, nhân dân đã có những chuyển biến rõ rệt và từng bước được nâng lên. Ban Chỉ đạo, UBND cấp huyện đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, giao chỉ tiêu nông thôn mới cho các xã thực hiện; tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền nông thôn mới với nhiều hình thức, lồng ghép với công tác tuyên truyền của các hội, đoàn thể các cấp; riêng huyện Hòa Thành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào "Phát huy vai trò tôn giáo, vận động chức sắc, chức việc và tín đồ tham gia xây dựng nông thôn mới". Kết quả, đến tháng 8/2017, đã tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh huyện, xã 26 chuyên mục, 42 bài viết, 417 bản tin với thời lượng 856 giờ phát thanh; tuyên truyền qua các hội nghị, tiếp xúc cử tri cho cán bộ, nhân dân 860 cuộc, 27.704 lượt người tham dự.

Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, nhất là đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017; các hạn chế, thiếu sót qua kiểm tra được kịp thời phát hiện, hướng dẫn hoặc đề xuất xử lý. UBND cấp huyện đã rà soát, đánh giá thực trạng 80 xã theo Quyết định số 1200/QĐ-UBND. Đến tháng 8/2017, có 08/22 xã đã đạt chuẩn duy trì, giữ vững 19 tiêu chí; đạt từ 15-18 tiêu chí có 13 xã; đạt từ 10-14 tiêu chí có 37 xã; đạt từ 05-09 tiêu chí có 22 xã. Bình quân tiêu chí nông thôn mới đạt được trên toàn tỉnh (80 xã) 12,06 tiêu chí/xã (giảm 0,49 tiêu chí so với cuối năm 2016).

Đối với 8 xã: Bình quân đạt 13,8 tiêu chí/xã; 01 xã đạt 17 tiêu chí (Gia Lộc), 02 xã đạt 16 tiêu chí (Thái Bình, Tân Hưng), 02 xã đạt 14 tiêu chí (Long Chữ, Thanh Phước), 01 xã đạt 12 tiêu chí (Cầu Khởi), 02 xã đạt 11 tiêu chí (Mỏ Công, Trường Tây). Các tiêu chí chưa đạt của 08 xã chủ yếu tập trung ở nhóm tiêu chí Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội (Giao thông, thủy lợi, trường học và cơ sở vật chất văn hóa) và nhóm Phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn (tiêu chí Y tế).

Có thể nói, nhờ những nỗ lực trên của cấp ủy, Ban Chỉ đạo, UBND cấp huyện mà diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa,… được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh. Công tác phát triển sản xuất được quan tâm thực hiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được củng cố; cảnh quan, môi trường nông thôn dần được cải thiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình MTQG nông thôn mới vẫn còn tồn tại hạn chế. Việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới còn chậm. Bình quân tiêu chí/xã của tỉnh cũng như số tiêu chí đạt được của các xã giảm so với cuối năm 2016 (kể cả ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới) do áp dụng Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020 mới ban hành, trong đó bổ sung thêm 10 chỉ tiêu so với Bộ tiêu chí cũ (áp dụng giai đoạn 2009-2015); mặt khác một số tiêu chí (hộ nghèo, tổ chức sản xuất, y tế, môi trường) quy định nội dung, mức đạt chuẩn cao hơn giai đoạn trước đây. Việc huy động vốn cho xây dựng nông thôn mới còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Vốn ngân sách nhà nước tuy vượt mức quy định nhưng còn thấp so với nhu cầu thực tế; nguồn vốn huy động trong dân rất hạn chế do thu nhập của người nông dân còn thấp; vốn huy động từ các doanh nghiệp không nhiều. Kết quả vận động vốn doanh nghiệp, nhân dân còn thấp so với tổng vốn, cụ thể: 9 tháng đầu năm các địa phương đã huy động doanh nghiệp 16,2 tỷ đồng (chiếm 1,8%), nhân dân 10,9 tỷ đồng (chiếm 1,2%) so với tổng vốn, qua đó cho thấy công tác tuyên truyền, vận động ở một số nơi (nhất là các xã không phải xã điểm) còn nhiều khó khăn, hạn chế.

 Kinh tế hợp tác ở nông thôn có phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Sản xuất nông nghiệp còn khó khăn, hàng nông sản khó tiêu thụ. Việc áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất chưa nhiều. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn tuy được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp.  Việc thực hiện mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, mới bắt đầu từng bước triển khai thực hiện nên còn nhiều lúng túng. Người dân còn bỡ ngỡ và chưa quen với phương pháp liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; hoạt động của HTX còn nhiều hạn chế do mới thành lập; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gặp khó khăn do đa phần lao động làm việc tại các khu công nghiệp. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp hoặc giữa một số ngành ở từng cấp còn chậm, chưa kịp thời….

Nhằm giữ vững 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2016. Phấn đấu có thêm 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 30 xã, chiếm 37,5% số xã của tỉnh. Số tiêu chí đạt được bình quân/xã 14,6 tiêu chí. Các xã còn lại tăng thêm từ 1-3 tiêu chí so với năm 2016, thời gian tới, các cấp, các ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh đổi mới triển khai chương trình; tăng cường sự tham gia của người dân; thực hiện tốt phương châm "dân cần, dân biết, dân bàn, dân góp, dân làm, dân kiểm tra quản lý và hưởng thụ". Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức người dân bằng nhiều hình thức phù hợp, nhất là tính chủ động của cán bộ, công chức, người dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới; huy động tối đa nguồn lực của xã hội trong xây dựng nông thôn mới, tránh phụ thuộc nhiều vào ngân sách, đảm bảo cơ cấu vốn. Hoàn thành công tác rà soát, đánh giá lại hiện trạng 19 tiêu chí nông thôn mới theo Bộ tiêu chí mới; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đề án Xây dựng xã nông thôn mới phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện và khả năng bố trí, huy động nguồn lực của địa phương. Tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên địa bàn từng xã gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Thực hiện tốt các chính sách, đề án phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp quy hoạch XDNTM, quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn và yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Chú trọng phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu cấp xã gắn với phát triển sản xuất, đời sống hàng ngày của người dân. Triển khai nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, giảm nghèo, tăng thu nhập tại địa phương; thường xuyên tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp của xã nông thôn mới và các xã khác trên địa bàn huyện, thành phố. Ban hành các chính sách về huy động nguồn lực, tăng cường phân cấp cho cấp xã, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và thi công đối với các dự án, nhiệm vụ đã được phân khai và giao vốn; các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đến cuối năm 2017 tiếp tục duy trì, giữ vững tiêu chí theo Bộ tiêu chí mới. Chỉ đạo, hỗ trợ 08 xã khẩn trương hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt, chuẩn bị hồ sơ, thủ tục xác nhận đạt từng tiêu chí theo hướng dẫn của các Sở, Ngành tỉnh; thống nhất với các Sở, Ngành tỉnh phụ trách tiêu chí nông thôn mới về số liệu, kết quả thực hiện trước khi Đoàn thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh tiến hành công tác thẩm định.

MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây