Về quan điểm chung UBND tỉnh chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới phải thực chất, không hình thức, chạy đua theo thành tích. Tạo được sự công bằng giữa nông thôn và thành thị; Cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập người dân nông thôn hướng đến chuẩn mực lối sống văn minh hiện đại, văn hóa phù hợp với địa phương. Ưu tiên xây dựng nông thôn mới ở xã biên giới, ưu tiên lựa chọn xã có sự đột phá về xây dựng nông thôn mới để đưa vào kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới hàng năm..
Theo kế hoạch này, mục tiêu đến năm 2020: Các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới được duy trì, nâng cao chất lượng theo quy định; Phấn đấu 50/80 xã (trong đó có 15 xã biên giới), chiếm 62,5% số xã toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó: Năm 2016: 06 xã, năm 2017: 08 xã, năm 2018: 07 xã, năm 2019: 07 xã, năm 2020: 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới; Phấn đấu Thành phố Tây Ninh, Thị xã Hòa Thành (dự kiến nâng cấp từ huyện lên Thị xã năm 2017) là đơn vị trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng ông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt 50 triệu đồng/người/năm; Bình quân tiêu chí đạt được trên toàn tỉnh 16,8 tiêu chí/xã.
Để đạt được mục tiêu đề ra, cần tiến hành thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm như:
Điều chỉnh quy hoạch, đề án Xây dựng nông thôn mới:100% xã rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch, đề án Xây dựng xã nông thôn mới theo quy định mới, gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của huyện, khả năng bố trí, huy động nguồn lực địa phương.
Phát triển hạ tầng thiết yếu kinh tế - xã hội nông thôn: Gắn xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu về kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn. Ưu tiên đầu tư các lĩnh vực: Giao thông, thuỷ lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, công trình cấp nước sinh hoạt, nhất là vùng sâu, vùng biên giới. Rà soát quy mô các dự án trường học phù hợp với điều kiện thực tế để cân đối nguồn lực đầu tư cho các tiêu chí khác; Đến năm 2020 có 62,5% số xã đạt chuẩn các tiêu chí: Giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa; 90% xã đạt chuẩn tiêu chí thủy lợi; 100% xã đạt chuẩn các tiêu chí: Điện, thông tin và truyền thông; 93% xã đạt chuẩn tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 91% xã đạt chuẩn tiêu chí nhà ở.
Phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân: Triển khai hiệu quả đề án cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ, công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đổi mới, phát triển tổ chức sản xuất trong nông nghiệp. Thực hiện các cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững, tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; Đến năm 2020 có 83% số xã đạt chuẩn tiêu chí thu nhập, 62,5% số xã đạt chuẩn tiêu chí hộ nghèo, 97,5% số xã đạt chuẩn các tiêu chí lao động có việc làm, tổ chức sản xuất.
Về giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường: Phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Chú trọng hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, các hoạt động thể thao của các tầng lớp nhân dân, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho trẻ em; Xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường đang có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân nông thôn. Xây dựng các công trình bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn xã, ấp theo quy hoạch; thu gom, xử lý chất thải, nước thải theo quy định. Các cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ (công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi, chế biến lương thực thực phẩm) thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường;. Đến năm 2020 có 100% xã đạt chuẩn các tiêu chí: giáo dục, văn hóa; 95% xã đạt tiêu chí y tế; 88% xã đạt tiêu chí môi trường.
Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới; cải thiện, nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; bảo đảm tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân. Đến năm 2020 có 100% xã đạt chuẩn tiêu chí Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật
Chủ động triển khai các mặt công tác phòng người, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn an ninh, trật tự xã hội ở nông thôn; xây dựng thế trận an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân vững chắc, nhất là các xã vùng trọng điểm (biên giới) đảm bảo giữ vững chủ quyền quốc gia; xây dựng lực lượng công an xã trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu giữ gìn an ninh trật tự. Hàng năm có 95% xã đạt chuẩn tiêu chí Quốc phòng và An ninh..
Quang Dững