Tính đến tháng 9.2017, UBND tỉnh đã công nhận và công bố 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh lên 22 xã, chiếm 27,5% số xã toàn tỉnh.
Làm đường giao thông nông thôn ở xã Phước Đông- Ảnh minh họa. |
UBND các huyện, thành phố đã rà soát, đánh giá thực trạng 80 xã theo Quyết định số 1200/QĐ-UBND ngày 31.5.2017 của UBND tỉnh ban hành Quy định Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 – 2020.
Kết quả có 8/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới đã duy trì, giữ vững 19 tiêu chí; 13 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 37 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 22 xã đạt từ 5-9 tiêu chí. Bình quân tiêu chí nông thôn mới đạt được trên toàn tỉnh 12,06 tiêu chí/xã (giảm 0,49 tiêu chí so với cuối năm 2016).
Số tiêu chí đạt được của xã và bình quân tiêu chí/xã của tỉnh giảm so với cuối năm 2016 (kể cả ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới) do áp dụng Bộ tiêu chí mới theo Quyết định số 1200/QĐ-UBND, trong đó bổ sung thêm 10 chỉ tiêu mới và một số tiêu chí (hộ nghèo, tổ chức sản xuất, y tế, môi trường…) quy định nội dung, mức đạt chuẩn cao hơn giai đoạn 2010 - 2015.
Đối với 8 xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2017, bình quân đạt 13,8 tiêu chí/xã, trong đó, 1 xã đạt 17 tiêu chí (Gia Lộc), 2 xã đạt 16 tiêu chí (Thái Bình, Tân Hưng), 2 xã đạt 14 tiêu chí (Long Chữ, Thanh Phước), 1 xã đạt 12 tiêu chí (Cầu Khởi), 2 xã đạt 11 tiêu chí (Mỏ Công, Trường Tây).
Các tiêu chí chưa đạt của 8 xã chủ yếu tập trung ở nhóm tiêu chí phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội (giao thông, thủy lợi, trường học và cơ sở vật chất văn hóa) và phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn (tiêu chí y tế).
Xã An Bình (Châu Thành) được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2015- Ảnh minh hoạ. |
Theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Tây Ninh, mục tiêu đến cuối năm 2017 là duy trì, phấn đấu 22 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng cao chất lượng 19 tiêu chí; phấn đấu 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm Mỏ Công (huyện Tân Biên), Tân Hưng (Tân Châu), Cầu Khởi (Dương Minh Châu), Thái Bình (Châu Thành), Trường Tây (Hoà Thành), Thanh Phước (Gò Dầu), Long Chữ (Bến Cầu) và Gia Lộc (Trảng Bàng).
Đối với 50 xã còn lại, mỗi xã tăng từ 1-3 tiêu chí so với năm 2016. Bình quân toàn tỉnh đạt 14,6 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên toàn tỉnh đạt 39,9 triệu đồng/người/năm.
Theo Báo Tây Ninh Online