Công nhân nghề may mặc trong một khu công nghiệp.
Những ngày cuối tháng 12, đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) của tỉnh do ông Nguyễn Văn Quá- Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm trưởng đoàn đã lần lượt đến làm việc về nội dung trên tại 7 huyện trong tỉnh. Đợt kiểm tra cho thấy, hiệu quả và tính bền vững của công tác đào tạo nghề vẫn còn là một dấu hỏi.
Tại buổi làm việc ngày 21.12, đại diện UBND huyện Bến Cầu cho biết, năm 2017, toàn huyện có 720 học viên được đào tạo nghề với 9 nghề nông nghiệp, 2 nghề phi nông nghiệp, tất cả đều tìm được việc làm sau khi học xong, đạt tỷ lệ 100%.
Cũng như một số địa phương khác, tại Bến Cầu, số người thuộc nhóm đối tượng 1 (đối tượng ưu tiên) tham gia học nghề không đáng kể, ví dụ người có công với cách mạng: 1, người thuộc hộ nghèo: 7. Các nghề trồng lúa, trồng rau sạch, chăn nuôi heo, gia cầm và may dân dụng được đánh giá cao về tính hiệu quả. Tổng kinh phí dành cho công tác đào tạo nghề năm 2017 của huyện Bến Cầu là hơn 998 triệu đồng.
Buổi làm việc tại huyện Bến Cầu có sự tham dự của hai phụ nữ (trong đó có một chị khuyết tật) từng tham gia học nghề may dân dụng. Hai chị cho biết, sau khi học nghề xong, họ tự bỏ vốn mua máy may về may gia công, thu nhập mỗi tháng hơn hai triệu đồng, mức thu nhập như thế so với trước khi học nghề đã cao hơn vì đơn hàng nhiều hơn.
Thông tin cho biết thêm, căn cứ vào kết quả điều tra, khảo sát năm 2018, huyện Bến Cầu dự kiến sẽ mở 19 lớp đào tạo nghề cho lao động thôn với 570 học viên.
Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Văn Quá- Trưởng đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 lưu ý: theo quy định mới, việc đào tạo phải đáp ứng được nhu cầu học nghề của người lao động, không phải có nghề nào thì dạy nghề đó. Về độ tuổi học nghề, ông đề nghị huyện Bến Cầu vận động những người trẻ đi học, vì trong danh sách hơn 700 người học nghề năm 2017, có nhiều phụ nữ đã qua tuổi 55. Ông cũng nhắc nhở: việc đánh giá hiệu quả sau đào tạo nghề rất cần sự trung thực, khách quan.
Tại huyện Trảng Bàng, báo cáo của UBND huyện cho biết, năm 2017, địa phương này mở 15 lớp đào tạo nghề (8 nghề nông nghiệp, 7 nghề phi nông nghiệp) với 437 người theo học, trong đó có 191 học viên nữ.
Theo thống kê, tỷ lệ lao động tìm được việc sau khi học đạt hơn 80%. Việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dành cho người lao động sau khi học nghề vẫn còn khó khăn, vì các nhóm đối tượng này chủ yếu chỉ làm ăn nhỏ lẻ, manh mún.
Nói về hiệu quả của công tác đào tạo nghề, UBND huyện Trảng Bàng nhìn nhận: danh mục nhóm nghề đào tạo chưa thật sự hấp dẫn nên khó huy động người dân đi học. Nhóm đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật ít tham gia học nghề, vì tâm lý của họ thường là muốn có thu nhập ngay, không muốn mất thời gian đi học nghề.
Một vị đại diện xã Bình Thạnh cho biết, xã này được quy hoạch trồng 200 ha thơm để cung ứng nguồn nguyên liệu cho nhà máy ép nước trái cây, nhưng nghề trồng thơm lại không có trong danh mục đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Còn ở Gò Dầu, theo báo cáo của UBND huyện, năm 2017, huyện này đã mở 11 lớp đào tạo nghề cho 290 học viên, chủ yếu là đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi bò, trồng lúa, trồng rau sạch, bắp, cây ăn quả và may công nghiệp. Trong số các nghề vừa kể, may công nghiệp là nghề có số học viên đông nhất với 90 người.
Tính đến ngày 12.12, Gò Dầu đã đào tạo được 300 học viên, vượt 10 người so với chỉ tiêu đăng ký ban đầu. Tỷ lệ người lao động có việc sau đào tạo đạt 80%, riêng nghề may công nghiệp đạt 91%. Tỷ lệ học viên nữ tham gia học nghề năm 2017 đạt 49%, cao hơn 9% so với quy định.
Tổng kinh phí đào tạo nghề năm 2017 của huyện Gò Dầu là 395 triệu đồng. Theo bà Trương Thị Phú- Phó Chủ tịch UBND huyện, tỷ lệ người lao động tìm được việc làm sau đào tạo nghề đã góp phần tạo công ăn, việc làm, tăng thu nhập, hạn chế thời gian nhàn rỗi cho các hộ gia đình.
Tuy nhiên, số liệu thống kê cũng cho thấy: số người nghèo, người khuyết tật tham gia học nghề không đáng kể (toàn huyện chỉ có đúng 3 người thuộc đối tượng này theo học, tương đương 1%) trong khi đây là nhóm đối tượng thuộc diện ưu tiên của Đề án 1956. UBND huyện kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu phân bổ sớm kinh phí đào tạo; xem xét hỗ trợ thêm kinh phí thiết bị cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.
Theo vị đại diện Ban Chỉ đạo Đề án 1956 của huyện, số liệu thống kê về học viên có việc làm sau khi học nghề là đáng tin cậy, vì đã có tổ chức khảo sát. Riêng việc huy động 10% người khuyết tật ra học là không thể đạt được. Kết luận buổi làm việc tại Gò Dầu, vị trưởng đoàn kiểm tra lưu ý: đào tạo nghề không tách rời công cuộc xoá đói giảm nghèo cũng như xây dựng nông thôn mới. Do vậy, các địa phương cần dành sự quan tâm thoả đáng cho các chương trình mục tiêu quốc gia ấy.
Tại Tân Biên, báo cáo cho biết, năm 2017, huyện này đã mở 24 lớp, tăng 3 lớp so với kế hoạch ban đầu. Theo khảo sát, trong tổng số 832 học viên đã qua lớp đào tạo nghề, có 618 người tìm được việc làm sau khi học, đạt tỷ lệ gần 75%.
Trong số 618 học viên tìm được việc làm, có 69 người được tuyển dụng, 20 người tham gia tổ hợp tác, số còn lại tự tạo việc làm. Ở Tân Biên, khai thác mủ cao su và chăn nuôi bò là hai nghề được đánh giá có hiệu quả cao đối với người học nghề. Kinh phí chi cho công tác đào tạo nghề năm 2017 ở Tân Biên gần 1,2 tỷ đồng.
Trước khi làm việc với các địa phương nêu trên, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 của tỉnh cũng đã lần lượt kiểm tra công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các huyện Châu Thành, Hoà Thành và Dương Minh Châu. Đợt kiểm tra cuối năm cho thấy, các địa phương trong tỉnh đã có nỗ lực nhất định trong công tác đào tạo nghề.
Nhiều học viên sau khi học đã tìm được việc làm, những người đã có việc làm trước đó thì sau khi học nghề công việc cũng được thuận lợi hơn, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhiều người lao động sau khi lấy được chứng chỉ học nghề đã yên tâm hơn khi làm việc cho các công ty, nông trường.
Như ở Tân Biên, gần 70 lao động đã được tuyển dụng khai thác mủ cao su sau khi học xong lớp đào tạo nghề. Hay như ở Bến Cầu, có người khuyết tật nặng, sau khi tham gia học nghề may đã có được công ăn việc làm với mức thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng).
Thế nhưng, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn nhiều điều chưa thể yên tâm. Trong đó, có việc mở ra quá nhiều nghề và đào tạo chỉ trong một thời gian ngắn, đây được xem là việc làm không cần thiết và thiếu tính thực chất. Chẳng hạn nghề chăn nuôi bò, trồng lúa.
Đúng ra, hai nghề này không cần mở lớp đào tạo vì đó là những công việc không xa lạ gì với người nông dân và những nghề truyền thống này cũng không mang tính đặc thù của loại hình lao động cần tay nghề kỹ thuật. Theo tinh thần của Đề án 1956, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chia làm hai nhánh chính: nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp.
Trong đó, nhóm nghề phi nông nghiệp được ưu tiên, khuyến khích hơn, vì cơ hội tìm việc làm đối với nghề này rộng hơn và cũng cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Mặc dù vậy, với nhóm nghề phi nông nghiệp- như nghề may chẳng hạn, hầu hết công nhân làm trong xí nghiệp may thường được chính cơ sở sử dụng lao động đào tạo.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là bước đi cần thiết và đúng đắn, nhưng trong thực tế, khâu triển khai có nhiều bất cập, nặng tính hình thức, gia tăng sự lãng phí và giảm tính hiệu quả. Mặt khác, với sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế cùng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, nhiều nhóm nghề trong chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn nay đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp và không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.
Theo BTNO