Chợ Phước Trạch đang được giải phóng mặt bằng để xây mới |
Cụ thể như chợ Suối Sâu ở xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng với diện tích đất hơn 1.000 mét vuông, không có bãi đậu xe, không có cây xanh, nhà vệ sinh, nơi thu gom rác, điện chiếu sáng, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy… so với tiêu chí chợ NTM thì chỉ đạt từ 20-30%.
Tương tự là chợ An Hoà (cùng địa bàn huyện Trảng Bàng) - chỉ đạt từ 75-80%. Ở Gò Dầu có các chợ: Phước Đông - mới đạt từ 50-60%, Phước Trạch- chỉ từ 30-40%.
Chợ Long Khánh ở huyện Bến Cầu là chợ cửa khẩu của xã biên giới, có diện tích đất là 7.435,9 mét vuông. Trong đó, nhà lồng chợ chiếm 348 mét vuông, các công trình, hạng mục khác… không có.
Từ khi xây dựng chợ cho đến nay không có tiểu thương nào vào chợ buôn bán, chợ không phát huy hiệu quả do không mở được cửa khẩu nên cư dân biên giới của 2 nước Việt Nam, Campuchia không qua lại mua bán hàng hoá tại đây.
Hiện nay, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của người dân xã Long Khánh tập trung ở chợ Cầu Long Thuận (xã Long Thuận). Do vậy, Sở Công Thương đề nghị không tính tiêu chí 7 về chợ đối với xã Long Khánh.
Điểm qua những ngôi chợ khác - như chợ Phước Ninh ở huyện Dương Minh Châu hiện chỉ mới đạt 40-50% so với tiêu chí. Chợ Tân Lập (Tân Biên), đạt từ 50-60%. Chợ Thạnh Bình (Tân Biên) từ 50-60%. Chợ Tân Hưng (Tân Châu), đạt 60-70%. Ở Châu Thành có chợ Thanh Điền đạt 30-40%, chợ Bình Phong đạt 30-40%. Ở Thành phố Tây Ninh, có chợ Bình Minh- đạt 40-50%, chợ Ninh Đức đạt 30-40%.
Trong giai đoạn 2013-2014, có 6/9 xã có chợ trọng điểm tập trung đầu tư. Trong đó, xã Long Khánh (Bến Cầu) không có nhu cầu phát triển chợ. Còn lại 5 xã có chợ đang hoạt động.
Giai đoạn này sẽ xây dựng mới 2 chợ: chợ Phước Trạch - xây dựng mới tại địa điểm cũ, nguồn vốn đầu tư khoảng 3 tỷ đồng, dự kiến khởi công và hoàn thành trong năm 2014; riêng chợ Thanh Điền sẽ được di dời, xây mới tại ấp Thanh Phước (nằm ven quốc lộ 22B), với diện tích 10.000 mét vuông, dự toán kinh phí khoảng 4,5 tỷ đồng, dự kiến khởi công và hoàn thành trong năm 2014.
Trong giai đoạn 2013-2014 sẽ cải tạo, nâng cấp 3 chợ sau:
Chợ Suối Sâu- hiện UBND xã đã có dự án trình UBND huyện về việc đầu tư nâng cấp, cải tạo chợ tại chợ cũ, dự toán khoảng 1,3 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2014. UBND huyện có văn bản gửi UBND tỉnh xin chủ trương cấp đất tại đường số 7 Khu công nghiệp Trảng Bàng (vị trí đối diện Khu chế xuất và công nghiệp Linh Trung III) để xây dựng chợ.
Chợ Bình Minh sẽ được cải tạo nâng cấp theo mô hình chữ T, hình thức khung sắt lắp ghép với diện tích 3.026 mét vuông. Dự kiến nguồn vốn là 650 triệu đồng, trong đó vốn hiện có 140 triệu đồng, còn lại lấy từ ngân sách Thành phố. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành trong quý 2 năm 2014.
Chợ Thạnh Bình sẽ được cải tạo nâng cấp mặt bằng phía trước chợ, mương thoát nước để xử lý nước xuống suối (khoảng cách từ chợ xuống suối khoảng 300m). Phía sau nhà lồng chợ xây dựng khung sắt lắp ghép. Dự kiến nguồn vốn từ ngân sách huyện và các hộ tiểu thương đóng góp khoảng hơn 2,7 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2014-2015, có 7/8 xã có chợ. Trong đó, 2 xã phường sẽ có 2 chợ là xã Tân Hưng (huyện Tân Châu) và phường Ninh Thạnh (thành phố Tây Ninh). Tuy nhiên mỗi xã chỉ được chọn một chợ điểm. Do vậy, giai đoạn này chỉ đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp 7 chợ.
Cũng theo thông tin từ Sở Công Thương, chợ Bình Phong được dự kiến xây mới ở vị trí trạm y tế cũ (đối diện cổng nghĩa trang), diện tích đất 21.000m2 , bao gồm chợ và khu phố chợ. Dự án đã được tổ chức đấu giá 3 lần nhưng… không có nhà đầu tư. Do đó, huyện đề nghị tỉnh thay đổi phương thức đầu tư. Trước mắt, huyện xuất ngân sách xây dựng nhà lồng chợ, đường nội bộ, nhà vệ sinh, hệ thống cấp thoát nước… Diện tích đất còn lại sẽ bán theo hình thức đấu giá có thu tiền sử dụng đất để thu hồi vốn. Dự kiến công trình khởi công và hoàn thành trong năm 2015.
Trong thời gian tới, cũng sẽ có 6 chợ được cải tạo, nâng cấp gồm: Ninh Thạnh, Tân Lập, Tân Hưng, Phước Ninh, Phước Đông và An Hoà.
Theo BTNO