Để tham gia thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “ Tây Ninh chung tay xây dựng nông thôn mới”, hàng năm Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đều có xây dựng kế hoạch tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và triển khai trong toàn hệ thống Mặt trận từ huyện đến cơ sở; bên cạnh đó Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã chủ động phối hợp với Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh và Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh tổ chức mở 28 lớp tập huấn, có 1.400 người dự là các cán bộ trong Ban Thường trực UBMTTQVN cấp huyện, thành phố, cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp. Qua các lớp tập huấn đã cung cấp cho cán bộ Mặt trận các cấp về nội dung, nhiệm vụ của Mặt trận cơ sở trong thực hiện 5 nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ triển khai, hướng dẫn của tỉnh Ban Thường trực UBMTTQVN các huyện, thành phố và các xã đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện cấp mình, đề ra nội dung, công việc, biện pháp phối hợp với các tổ chức thành viên, các tôn giáo thực hiện cụ thể sát thực với đặc điểm, tình hình từng xã; đồng thời qua đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tổ chức tuyên truyền, học tập được 18.022 cuộc với 252.703 lượt người dự để người dân nâng cao nhận thức; tổ chức vận động người dân ở các ấp tham gia góp ý xây dựng quy hoạch và thực hiện các công trình nhà nước và nhân dân cùng làm ở địa phương, kết quả đã có trên 136 ý kiến tham gia đóng góp về các vấn đề xây dựng các công trình phục vụ dân sinh ở nông thôn như: vấn đề xây dựng khu nghĩa trang, xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng…
Ngoài ra còn kết hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Báo Tây Ninh và các ngành liên quan tuyên truyền trên sóng loa, trạm truyền thanh xã, ấp được 2.553 phút, cấp phát 37.000 tài liệu tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền về cách làm hay ở các địa phương, đơn vị và biểu dương các cá nhân, tập thể có thành tích nổi bật trong xây dựng nông thôn mới.
Song song với công tác tuyên truyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp phát động phong trào thi đua “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” trong các tầng lớp nhân dân, mà tập trung là ở 25 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Trong 04 năm qua, về giao thông nông thôn, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã vận động nhân dân các khu dân cư hiến tặng trên 25.000 m2 đất, đóng góp trên 46.600 ngày công và 17,6 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường giao thông liên ấp, xóm như: trải sỏi đỏ 51,9 km, đào đắp, nâng cấp trên 94,05 km đường giao thông nông thôn, nạo vét, sửa chữa, lắp đặt mới 91 cầu, cống qua đường, lắp gần 2.000 bóng đèn, phát hoang, vệ sinh làm sạch đẹp đường làng, ngõ xóm. Về kênh mương nội đồng, nhân dân đã đóng góp trên 6.700 ngày công lao động trị giá hàng trăm triệu đồng để nạo vét, sửa chữa, nâng cấp trên 278,9 km kênh mương thủy lợi ở địa phương.
Về chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, năm 2014 Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã vận động trẻ em đến tuổi ra lớp 1 đạt 99,89% tăng 0,17% so năm học trước, phổ cập mầm non đạt 25,26%. Duy trì phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở 100% huyện, xã toàn tỉnh; vận động học sinh bỏ học ra lớp, giúp đỡ học sinh nghèo có điều kiện đến lớp, tặng học bổng, xe đạp, quần áo, sách vở, duy trì các lớp học tình thương.Trong 04 năm đã có 21.331 suất học bổng, 45.390 phần quà, hàng trăm chiếc xe đạp, hàng chục ngàn quyển tập với số tiền trên 13,096 tỷ đồng tặng học sinh nghèo, học sinh vùng sâu, vùng xa.
Ban vận động các khu dân cư đã phối hợp vận động các nhà tài trợ khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho 753.630 lượt người, tổng số tiền hơn 12,890 tỷ đồng. Thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện ăn chín, uống sôi, ngủ mùng, xử lý rác thải, nước ao tù, phòng ngừa dịch bệnh, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Ban vận động các khu dân cư còn tích cực tuyên truyền về mất cân bằng giới tính, vận động thực hiện công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình, kết quả có trên 157.210 lượt người trong độ tuổi sinh đẻ đăng ký thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, vận động áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại được 132.018 người trong độ tuổi sinh đẻ, góp phần hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên toàn tỉnh hiện nay dưới 1%. Phối hợp ngành y tế vận động người dân mua bảo hiểm y tế, riêng những xã nông thôn mới đã vận động người dân mua bảo hiểm y tế đạt tỉ lệ trên 70%.
Về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, đến cuối năm 2014 toàn tỉnh có 75/95 xã có trung tâm văn hoá-thể thao xã, bưu điện văn hoá xã, trên 50% ấp có điểm vui chơi giải trí của cộng đồng như: sân bóng đá, bóng chuyền, câu lạc bộ đờn ca tài tử, tụ điểm hát với nhau, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Các danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư, ấp văn hóa tiếp tục được quan tâm theo hướng tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả. Phong trào nêu gương “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan”, “Người cao tuổi mẫu mực”, “Gia đình mẫu mực” đã trở thành hoạt động thường xuyên ở nhiều địa phương, đem lại giá trị tinh thần và ý nghĩa giáo dục sâu sắc ở các địa phương, nhất là các xã nông thôn mới.
Chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” đã được Mặt trận các cấp triển khai đến tận 95/95 xã, phường, thị trấn và trên 75% khu dân cư toàn tỉnh; nhiều mô hình bảo vệ môi trường được các huyện, thành phố và cơ sở vận dụng thực hiện khá hiệu quả như mô hình “Giữ gìn lòng rạch Tây Ninh xanh, sạch, đẹp”, mô hình trồng hoa, kiểng 2 bên lề đường của Thành phố Tây Ninh; mô hình “Khu dân cư tự quản về môi trường” “Khu dân cư không có rác thải nơi công cộng”; “Khu dân cư đảm bảo 3 công trình vệ sinh”…đặc biệt đối với các xã điểm xây dựng nông thôn mới.
Về vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự, Mặt trận các cấp đã phối hợp ngành Công an, các tổ chức thành viên tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật trong các tầng lớp nhân dân như các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống các loại tội phạm, tố giác và truy bắt tội phạm, tổng cộng được 2.314 cuộc, có 85.213 lượt người dự; cấp phát hàng ngàn tài liệu tuyên truyền về phòng chống tội phạm, về đảm bảo trật tự an toàn giao thông và thực hiện 4 giảm, riêng trong đợt Tết Nguyên đán Ất Mùi, Mặt trận tỉnh phối hợp với Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh phát hành 9.000 tài liệu về chống buôn lậu, chống hàng gian, hàng giả cho các hộ dân của 20 xã biên giới, qua đó cung cấp số điện thoại đường dây nóng của các cơ quan chống buôn lậu cho người dân tố giác tội phạm buôn lậu, buôn bán hàng gian, hàng giả, góp phần kéo giảm tình trạng buôn lậu qua tuyến biên giới hiện nay.
Đặc biệt, trong vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, Mặt trận và các tổ chức thành viên của mình đã vận động các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đóng góp ủng hộ Quỹ vì người nghèo được: 293,788 tỷ. Từ nguồn vận động này Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp đã tổ chức xây tặng 3.638 căn nhà đại đoàn kết, với tổng số tiền 106,595 tỷ đồng, hỗ trợ sửa chữa 138 căn khác trị giá 878 triệu đồng. Ngoài ra Mặt trận phối hợp Hội nông dân tỉnh giải ngân dự án hỗ trợ vốn cho 234 hộ nông dân nghèo ở các xã xây dựng nông thôn mới của 9 huyện, thành phố vay sản xuất, chăn nuôi, chủ yếu là nuôi bò, trâu sinh sản với số tiền 4,580 tỷ đồng, lãi suất 0%, dự án này hiện đang phát huy hiệu quả, nhiều hộ đã có tích lũy từ nguồn vốn vay của dự án này. Ngoài ra, thông qua Mặt trận và các tổ chức thành viên của mình trong 04 năm qua, nhân dân ở các khu dân cư trong tỉnh đã đoàn kết tương trợ nhau về ngày công, con giống, tiền mặt trị giá trên 148,409 tỷ đồng để giúp cho 266.713 hộ nghèo có điều kiện sản xuất-kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống; Phối hợp tổ chức 18 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 494 lao động nông thôn, 54 lớp tập huấn, hướng dẫn tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi có hơn 3.092 người dự; qua đó định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng có giá trị kinh tế cao, giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Với những việc làm trên đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo ở từng địa bàn dân cư. Toàn tỉnh hiện nay còn 2,38% ( 6.838 hộ) giảm 2.185 hộ tương đương 0,79% so với số hộ nghèo toàn tỉnh năm 2013 (năm 2013 có 9.023 hộ tương đương 3,17%). Bên cạnh các hoạt động trên, Mặt trận các cấp trong tỉnh cũng đã phối hợp các tổ chức thành viên, vận động các nguồn lực tham gia thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội khác để chăm lo hỗ trợ, giúp đỡ đoàn viên, hội viên nghèo như hỗ trợ vốn, giống, cây, con, khám chữa bệnh, thăm hỏi, tặng quà, xây tặng nhà nhân ái, nhà đồng đội, mái ấm công đoàn, mái ấm tình thương với tổng trị giá trên 219 tỷ đồng. Ngoài ra nhiều đoàn thể còn thông qua các hoạt động tín chấp cho đoàn viên, hội viên nghèo vay vốn từ các ngân hàng với lãi suất thấp để sản xuất, chăn nuôi, buôn bán nhỏ lẻ giúp người dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Có thể nói, qua 4 năm xây dựng nông thôn mới Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên, các tổ chức tôn giáo tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đây cũng là tiền đề để Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh củng cố, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC”. Cùng với sự phối hợp vào cuộc của các tổ chức thành viên Mặt trận ngày càng rõ nét, năm 2015 hy vọng 11 xã xây dựng nông thôn mới tiếp theo của tỉnh sẽ đạt 19 tiêu chí và trở thành các xã nông thôn mới.
Nguyễn Nhiếm