Những thuận lợi và khó khăn sau gần 5 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Thứ năm - 02/07/2015 17:00 264 0
Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, tỉnh đã có những giải pháp và bước đi phù hợp với đặc thù của từng địa phương, huy động và vận dụng linh hoạt mọi nguồn lực đầu tư để thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2014 tỉnh đã có 6 xã đạt đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ có thêm 8 xã đạt chuẩn. Trong quá trình thực hiện Chương trình đã có những mặt thuận lợi và khó khăn cụ thể như sau:

Những thuận lợi

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, Ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả trong tổ chức thực hiện giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tạo được sự đồng thuận cao của toàn xã hội đối với chủ trương xây dựng nông thôn mới.

Đảng bộ, chính quyền, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp của tỉnh đã có sự chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt quan tâm tuyệt đối trong công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cơ sở.

Hệ thống chỉ đạo, điều hành ở các cấp thường xuyên được kiện toàn. Ban chỉ đạo các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện Chương trình tại các xã điểm, kịp thời uốn nắn, khắc phục những hạn chế, yếu kém. Các ban ngành, đoàn thể huyện, xã ngày càng chủ động trong công tác triển khai thực hiện. Các Sở, ngành tỉnh đã triển khai hướng dẫn các xã đánh giá, chuẩn bị hồ sơ công nhận tiêu chí do ngành phụ trách.

Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai đúng định hướng, có sự chuyển biến tích cực từ tỉnh đến cơ sở và toàn thể nhân dân. Qua phát động phong trào thi đua "Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới" đã được đông đảo cán bộ, đảng viên nhân dân đồng tình ủng hộ, người dân từng bước nhận thức về ý nghĩa, mục đính của Chương trình và vai trò chủ thể của mình. Vai trò của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, các cơ quan truyền thông trong công tác tuyên truyền ngày càng phát huy có hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về xây dựng nông thôn mới.

Kết cấu hạ tầng nông thôn như (giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, ý tế...) được nâng cao ở các xã, hình thành bộ mặt nông thôn khang trang tại các xã đạt chuẩn.

Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của trung ương, của tỉnh được triển khai qua các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể. Các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được chú ý nhân rộng. Người dân đã áp dụng khá tốt tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thu nhập của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện.

Về hạn chế

Tiến độ triển khai chương trình còn chậm so với mục tiêu đề ra, kết quả đạt tiêu chí không đồng đều giữa các xã điểm với các xã không được chọn làm điểm. Các xã thuộc huyện biên giới thực hiện còn chậm, khó khăn nhất là các tiêu chí xây dựng cơ sở hạ tầng.

Công tác triển khai Chương trình thời gian đầu còn lúng túng, chậm hoàn thành việc lập quy hoạch, đề án nông thôn mới.

Nhận thức của một bộ phận người dân về xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ. Qua điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới tại 10 xã điểm thuộc 9 huyện, thành phố (đối tượng khảo sát, lấy ý kiến thuộc nhiều thành phần trong xã hội), có 96% người dân hiểu biết về Bộ Tiêu chí xây dựng nông thôn mới, 83,9% xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên kết quả xây dựng nông thôn mới của địa phương chưa tạo sự chuyển biến mang tính đột phá, chưa phát huy rõ vai trò chủ thể của người dân, chỉ có 40,6% đóng góp các giải pháp thực hiện Chương trình, 18,2% có ý kiến  hài lòng về mức độ thụ hưởng của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Nhu cầu để thực hiện một số tiêu chí như (giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa…) là rất lớn nhưng nguồn lực huy động vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của mục tiêu, nhiệm vụ nên tỷ lệ xã đạt tiêu chí còn thấp, có nơi còn trông chờ vào sự đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Đời sống dân cư từng bước được nâng lên nhưng chưa thật sự vững chắc, trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn chứa đựng nhiều yế tố rủi ro (giá cả thị trường, dịch bệnh…) gây khó khăn cho người nông dân, tiến độ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp vần còn chậm. Các lĩnh vực chăn nuôi, kinh tế hợp tác, ngành nghề nông thôn chuyển biến chưa như đạt yêu cầu, sức cạnh tranh yếu, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ.

Trong triển khai xây dựng nông thôn mới ở các địa phương thực tế đã có các mô hình, cách làm sáng tạo nhưng việc tổng  kết và nhân rộng còn hạn chế, thiếu mô hình sản xuất có hiệu quả bền vững, chưa thật sự phát huy hết tiềm năng, lợi thế cây trồng, vật nuôi của từng địa phương.

Các lĩnh vực y tế, giáo dục mặc dù có cải thiện, được quan tâm đầu tư nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Cơ sở vật chất văn hóa và tổ chức, hoạt động còn nhiều mặt cần khắc phục, chất lượng ấp văn hóa chưa cao ảnh hưởng đến phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.

Như vậy, xây dựng nông thôn mới với mục tiêu là để phát triển nông thôn một cách toàn diện, nâng cao đời sống người dân về mọi mặt. Nhưng để giữ vững những tiêu chí đã đạt được và hoàn thành các tiêu chí còn lại thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị thì sự chung tay góp sức của mỗi người dân là vô cùng quan trọng.

                                                                                                                                    Cát Tường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây