Trước đây, người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn trong sản xuất bởi tư duy và cách làm cũ, các hoạt động sản xuất đều mang tính tự phát, người dân chưa có định hướng phát triển các mô hình sản xuất để phát huy thế mạnh của từng địa phương. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã trở thành bước đột phá của ngành nông nghiệp trong việc tổ chức lại các hình thức sản xuất, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất theo hướng hiện đại. Từng bước khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, xóa đói giảm nghèo để phát triển kinh tế,...
Xác định các mô hình sản xuất hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, Ban Chỉ đạo tỉnh Tây Ninh tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, định hướng cho bà con nông dân phát triển các mô hình sản xuất như: mô hình nuôi bò sinh sản; nuôi bò sữa; mô hình nuôi ba ba; mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa theo hướng VietGAP và cánh đồng mẫu lớn vụ Đông Xuân của 14 xã thuộc 6 huyện trọng điểm trồng lúa của tỉnh với 1.224 hộ dân và 6 doanh nghiệp tham gia, mô hình đã giúp cho bà con nông dân có kỹ thuật canh tác tiên tiến, tiết kiệm chi phí sản xuất bảo vệ môi trường và tăng lợi nhuận so với phương pháp canh tác cũ. Hiệu quả của mô hình có sức lan tỏa rộng và đây là tiền đề để xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất theo hướng VietGAP với diện tích lớn. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn nhiều mô hình sản xuất khác và nhiều tổ chức kinh tế hợp tác khác trong lĩnh vực nông nghiệp đang hoạt động có hiệu quả.
Cát Tường