Thoát nghèo nhờ… rắn

Thứ ba - 25/12/2012 00:00 143 0
Những năm gần đây, nhiều người dân Tây Ninh bắt đầu chú ý đến nghề nuôi rắn long thừa. Loài bò sát này xem chừng cũng mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể.

Chuồng rắn long thừa của chị Thương.

 

 

Năm 2011, chúng tôi có dịp đến tham quan trang trại rắn long thừa của gia đình ông Đoàn Thế Trung, ở ấp Thanh Hoà (xã Thanh Điền, huyện Châu Thành). Lúc đó, căn nhà của ông Trung khá nhỏ, vách đất xập xệ. Hộ gia đình ông thuộc diện cận nghèo. Ông suốt ngày nhăn nhó vì căn bệnh viêm đa khớp hành hạ. Lần này, chúng tôi trở lại thăm, ông vẫn đang đau đớn vì căn bệnh cũ, nhưng cạnh căn nhà cũ kỹ đã xuất hiện một căn nhà tường rộng lớn, khang trang. Ông Trung tươi cười khoe: “Căn nhà vừa cất xong hơn một tháng nay, chi phí gần 200 triệu đồng. Tất cả là nhờ vào tiền bán rắn đó”.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, cuộc sống của ông Trung là những chuỗi ngày dài lao động không ngơi nghỉ. “Tôi thường đi vác lúa, phát cỏ mướn, lúc rảnh thì xuống kênh, rạch lưới cá. Nhiều lúc mệt đến nỗi, vợ đem cơm ra, tôi chỉ kịp ăn một hai muỗng rồi ngã lăn ra ngủ dưới trời nắng chang chang”- ông Trung nhớ lại. Hậu quả của những ngày tháng lao động quá sức và thường xuyên ngâm mình dưới nước là bị căn bệnh viêm đa khớp ông phải đeo mang hơn 10 năm qua. Từ một người có thân hình lực lưỡng, ông Trung trở thành người gần như tàn phế, suốt ngày ngồi một chỗ, đau đớn. Hai đứa con của ông Trung cũng khổ lây. Đứa con trai mới học lớp 8 phải nghỉ học đi ở cho người ta ở tận Củ Chi. Đứa con gái học vừa xong lớp 6, cũng chia tay trường lớp. Không đầu hàng số phận, ông Trung nghĩ mình không làm được việc nặng thì tìm việc nhẹ để kiếm sống. Năm 2009, bắt chước hàng xóm nuôi rắn long thừa, ông gom góp vốn liếng, mua hơn 10 con rắn về nuôi thử. Sau hơn một năm, đàn rắn của ông Trung sinh sản được hơn 50 con. Bán lứa rắn đầu tiên, lãi được 15 triệu đồng. Thế là ông Trung quyết định theo nghề luôn. Từ hai chuồng nuôi rắn ban đầu, ông xây thêm 20 chuồng khác. Hiện nay, đàn rắn của ông đã lên gần 400 con, trong đó có nhiều con nặng từ 1,4- 2kg và nhiều con sắp đẻ. Ông cho xây thêm hai bể nuôi hơn 10 cặp ếch giống, lấy ếch con làm thức ăn cho rắn. Ông Trung còn nghĩ cách dùng bao rơm ủ ấm cho rắn trong những ngày trở lạnh. Nhờ được chăm sóc kỹ nên đàn rắn của ông Trung rất khoẻ mạnh, mau lớn và ít hao hụt. Hiện nay, giá thu mua trên thị trường 400.000 đồng/kg đối với rắn từ 1,5 kg/con trở xuống và 800.000 đồng/kg đối với rắn từ 1,6 kg trở lên. Ông Trung nói: “Căn bệnh vẫn còn hành hạ dữ lắm. Nhưng nhờ nuôi rắn mà tôi có tiền trị bệnh và cất nhà mới”.

Trứng rắn đã nở con.

Anh Lợi tự hào với cặp rắn long thừa bạch của gia đình.

 Gia đình bà Nguyễn Thị Mơ, ở ấp 4 (xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu), cũng thoát nghèo nhờ nghề nuôi rắn. 10 năm về trước, vợ chồng bà kiếm sống bằng nghề mộc. Mặc dù quanh năm quần quật với cưa, bào, đục, đẽo nhưng cuối năm vẫn không sao có dư được 3 triệu đồng ăn tết. Thấy có người nuôi rắn long thừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vợ chồng bà thèm lắm mà không có tiền mua giống về nuôi. Vậy là bà Mơ bàn với chồng, gom góp gỗ, đóng mấy bộ bàn ghế đem đổi lấy 10 con rắn nhỏ về nuôi. Có con giống rồi, tích cực chăm sóc, 2 năm sau những con rắn nhỏ ban đầu trưởng thành và bắt đầu sinh sản. Cứ thế, bà Mơ gây giống ngày càng nhiều. Dần dần gia đình bà trở thành “đại lý” cung cấp rắn long thừa giống cho bà con trong ấp. Khi chúng tôi ghé thăm, bà Mơ không có ở nhà, anh Nguyễn Tấn Lợi, 23 tuổi- con trai của bà Mơ kể: “Có lúc cao điểm như năm 2010, trong nhà tôi nuôi từ 300- 400 con rắn. Năm nay, vừa bán một đợt rắn thịt, được 28 triệu đồng”. Trước đây, trước hiên nhà bà Mơ có một bể nuôi ếch làm thức ăn cho rắn. Nay bà phải dẹp bỏ, để tận dụng mặt bằng nuôi rắn. Gia đình bà Mơ còn đang sở hữu nhiều cá thể rắn long thừa bạch rất đẹp. Đây là loại rắn khá hiếm và luôn được thương lái thu mua với giá cao hơn rắn long thừa bình thường. Anh Lợi bắt từ trong chuồng ra cho chúng tôi xem cặp rắn long thừa bạch. Mỗi con to gần bằng cổ tay người lớn, dài khoảng 4 mét, nặng hơn 3 kg. “Cặp rắn này, mấy năm trước, mỗi năm đẻ 2 lứa. Năm nay, tăng lên đẻ 3 lứa, mỗi lứa từ 16- 18 trứng”- anh Lợi nói. Để chứng minh cho lời nói của mình, anh lôi từ trong chiếc tủ ra một bọc trứng rắn long thừa bạch, đang trong quá trình ủ ấm, chờ ngày nở. Nhờ nghề nuôi rắn long thừa, gia đình bà Mơ nay đã thoát khỏi cảnh nghèo. Hiện vợ chồng bà đã đầu tư mua sắm máy cưa, máy bào, máy khoan, mở rộng quy mô nghề mộc gia đình. Anh Lợi vui vẻ chia sẻ: “Dự kiến, sắp tới chúng tôi sẽ đóng thêm nhiều chuồng để tăng số lượng rắn lên hơn nữa”.

Thoát nghèo, bà Mơ sẵn lòng hướng dẫn cho nhiều bà con trong ấp cái nghề đã cứu giúp gia đình mình. Gia đình chị Nguyễn Thị Thương, ở cạnh nhà bà Mơ là một ví dụ. Vợ chồng chị Thương thuộc diện nghèo ở địa phương. Chồng chị làm thợ hồ, chị Thương cũng theo chồng làm “cu li” ở những công trình xây dựng. Hai vợ chồng nghèo đến nỗi không có nhà ở, phải đi ở nhờ trong một ngôi nhà cũ, bỏ hoang trong ấp. Thấy hoàn cảnh gia đình chị, năm 2011, bà Mơ bày cho nghề nuôi rắn long thừa. Ban đầu, chị Thương chỉ mua 10 con rắn giống về nuôi thử. Hơn nửa năm sau, rắn lớn, chị bán cho thương lái, lấy tiền đầu tư nuôi rắn tiếp. Khi đàn rắn lớn, chị bán bớt 30 con, lấy tiền mua thức ăn nuôi 40 con còn lại. Với cách làm lấy ngắn nuôi dài như thế, gia đình chị đã có trong tay 40 con rắn giống, sinh sản được 2 lứa. Chị Thương chỉ cho chúng tôi xem chuồng rắn của nhà mình, trong đó có nhiều con giống to, mỗi con nặng khoảng 3kg. Cạnh chuồng rắn giống là một chuồng rắn con vừa mới nở. Trong lu cát, nhiều trứng đang “khẽ mỏ”. Chị Thương chia sẻ: Hiện tại, trung bình mỗi ngày đàn rắn ăn hết khoảng 3kg ếch, nhái. Đêm nào có mưa, thì hai vợ chồng chị và đứa con trai 14 tuổi, cùng nhau ra đồng bắt mồi về cho rắn ăn. Hôm nào không mưa thì phải ra chợ mua thức ăn về cho chúng.

Mặc dù công việc cực nhọc như thế, nhưng chị Thương tỏ ra rất vui. Người phụ nữ 37 tuổi ấy tươi cười nói: “Trước đây, vợ chồng tôi làm việc quần quật suốt ngày mà chưa bao giờ có dư. Từ khi nuôi rắn long thừa đến nay, cuộc sống có phần đỡ túng thiếu hơn. Nếu tình hình rắn có giá như hiện nay, chúng tôi sẽ tiếp tục nuôi chúng, hy vọng một ngày nào đó sẽ mua được đất, cất nhà”.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây