Khan hiếm đất san lấp dẫn đến tình trạng khai thác trái phép ráo riết. |
Theo ông Lam, việc đầu tư nâng cấp và làm mới các tuyến đường giao thông nông thôn ở các xã phải được tiến hành càng nhanh càng tốt, nhằm bảo đảm thực hiện đúng tiến độ đề ra. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều địa phương không thể thực hiện đầu tư làm đường giao thông nông thôn vì không có đất san lấp.
“Trước đây, một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện được cấp giấy phép khai thác đất san lấp. Đến năm 2013, một số giấy phép hết hạn khai thác, còn một số thì bị thu hồi vì thiếu sót về hồ sơ thủ tục. Vì vậy, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Trảng Bàng không có doanh nghiệp nào được cấp phép khai thác đất san lấp”- ông Lam cho biết thêm.
Tình trạng khan hiếm đã đẩy giá đất san lấp ở địa phương này lên khá cao so với trước, do đó một số cá nhân lén lút khai thác đất san lấp trái phép tại các khu vực được cấp phép trước đây đưa đi tiêu thụ với giá “độc quyền”.
Để khắc phục tình trạng trên, lãnh đạo Phòng TN-MT huyện Trảng Bàng đề nghị các cấp có thẩm quyền cần nhanh chóng giải quyết các thủ tục, hồ sơ về cấp phép khai thác khoáng sản mới để địa phương giải quyết nhu cầu đất san lấp ở các công trình công cộng lẫn dân sinh.
Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn giai đoạn 2013 – 2015 (đã được phê duyệt), huyện Trảng Bàng được quy hoạch 12 địa điểm khai thác đất san lấp.
Tuy nhiên, đến nay chưa có doanh nghiệp nào được cấp phép khai thác vì còn đang trong quá trình thực hiện các thủ tục quy định.
Theo BTNO