Đường giao thông nông thôn mới được hoàn thành ở ấp 4, xã Bến Củi. |
Đã hơn 3 năm trôi qua, đến nay việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở huyện Dương Minh Châu (DMC) vẫn đang được tiếp tục đẩy nhanh. Huyện đã huy động các nguồn vốn gần 49 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 4 tỷ đồng để xây dựng hàng trăm công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường sá, trường học, trạm y tế… phục vụ dân sinh, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM mỗi năm đều tăng.
Chúng tôi về thăm xã Bến Củi, một trong những xã được chọn làm trọng điểm xây dựng NTM. Ngoài việc được tỉnh, huyện ưu tiên, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xã cũng có cách làm của mình để tạo bước đột phá trong công tác xây dựng NTM.
Ông Đỗ Thành Tân - Bí thư Đảng uỷ xã Bến Củi cho biết, thời gian qua, phong trào thi đua “Toàn dân Bến Củi chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc với sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân.
Đảng bộ xã xác định lấy chi bộ ấp làm cơ sở, trong đó cán bộ, đảng viên là hạt nhân để vận động mọi người xây dựng NTM. Mỗi cán bộ, đảng viên ở các chi bộ ấp đều phải gương mẫu, nói đi đôi với làm trong việc hưởng ứng, ủng hộ làm đường giao thông.
Qua đó vận động, khai thác tiềm năng sẵn có trong dân, khuyến khích người dân tích cực tham gia đóng góp công sức, tiền của, chung sức xây dựng NTM. Những năm qua, xã Bến Củi đã và đang xây dựng 41 trong tổng số 54 tuyến đường giao thông nông thôn.
Điển hình như ở ấp 3, phong trào “Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới” đã được người dân trong ấp tích cực tham gia. Riêng trong việc xây dựng đường giao thông nông thôn, chi bộ và ban quản lý ấp vận động người dân hiến 700m2 đất, và đóng góp gần 400 triệu đồng để cùng Nhà nước thi công 2 tuyến đường nhựa có tổng chiều dài 1.600 mét với tổng trị giá 2,7 tỷ đồng.
Hiện nay một số tuyến đường trong ấp 3 đã được tráng bê tông sạch đẹp, bộ mặt xóm, ấp đổi mới, khang trang, người dân phấn khởi do việc đi lại đã thuận lợi hơn.
Cùng với ấp 3, các ấp khác trong xã cũng có những động thái tương tự. Trong công tác giải phóng mặt bằng đường D4 ở ấp này, nhân dân đã hiến đất và giải toả cây trồng với tổng trị giá hơn 321 triệu đồng. Riêng trong xây dựng tuyến đê bao chống lũ tại khu vực ấp 1, các hộ dân ở đây tự giải toả hàng trăm cây cao su và hiến hơn 1.600m2 đất (tổng trị giá hơn 400 triệu đồng). Có đê bao, người dân ấp 1 yên tâm trong sản xuất, không còn phải nơm nớp lo âu mỗi khi mùa mưa đến, nhất là khi hồ Dầu Tiếng xả lũ.
Trong khi đó, ở Phước Ninh, Đảng uỷ xã lấy Hội Nông dân làm lực lượng nòng cốt trong công tác xây dựng NTM. Trong tổng số 14 tiêu chí mà Phước Ninh đạt được tính đến thời điểm này, thì Hội Nông dân xã đã trực tiếp lẫn phối hợp tham gia thực hiện 12 tiêu chí.
Về giao thông, Hội Nông dân xã ngoài vận động cán bộ, hội viên, các doanh nghiệp tham gia đóng góp công sức, tiền của xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp một cây cầu ở ấp Phước An với tổng trị giá gần 150 triệu đồng, còn vận động nhân dân tham gia làm 14 tuyến đường giao thông nông thôn; trong đó khoản tiền do dân đóng góp là 212 triệu đồng. Hội cũng đã phối hợp với chi bộ và đoàn thể Mặt trận ấp Bàu Dài vận động 2 Việt kiều ủng hộ 12 triệu đồng để mua hàng chục khối đá sửa chữa đoạn đường trong ấp.
Hội Nông dân xã Phước Ninh còn xây dựng nhiều mô hình sản xuất như tổ hợp tác nuôi ba ba, may gia công, đan lát, nuôi gà thả vườn, trồng ổi, se nhang, trồng hoa thiên lý… giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động, góp phần hoàn thành các tiêu chí về thu nhập.
Thực hiện tiêu chí số 19 về an ninh trật tự, Hội Nông dân xã có sáng kiến xây dựng mô hình “Tổ hội điểm an toàn về an ninh trật tự”, chọn tổ hội số 6 ấp Bàu Dài làm điểm.
Đến nay mô hình này đang phát huy hiệu quả, tình hình tệ nạn xã hội được kéo giảm, trật tự trị an được giữ vững, người dân trên địa bàn ngày càng yên tâm trong lao động sản xuất và sinh hoạt.
Ở xã điểm Chà Là, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, địa phương đã huy động các nguồn lực được gần 23 tỷ đồng, trong đó phần lớn để làm 18 tuyến đường bao gồm 1 tuyến đường đất, 13 tuyến đường sỏi phún và 4 tuyến đường trải nhựa với tổng chiều dài gần 21km.
Bên cạnh đó, xã còn vận động các doanh nghiệp đóng góp gần 2 tỷ đồng để xây dựng nhà tặng hộ nghèo. Qua những đợt ra quân vận động nhân dân cùng chung sức với Nhà nước làm đường giao thông nông thôn, Chà Là đã huy động được 140 triệu đồng.
Góp phần vào phong trào thi đua xây dựng NTM ở xã Chà Là, Nhà máy đường Biên Hoà đã ủng hộ 173 triệu đồng để nâng cấp đường giao thông.
Ở xã Phan, việc xây dựng NTM cũng được thực hiện bởi những việc làm thiết thực như tận dụng nguồn đất từ nạo vét chống ngập úng cục bộ kênh Suối Tre để làm đường giao thông nông thôn. Hay như xã Suối Đá - vận động 21 hộ dân hiến đất trị giá 750 triệu đồng để làm mới con đường Cây Me ở ấp Phước Bình 1.
Dù còn nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng NTM, nhưng với những nỗ lực trong 3 năm qua của từng địa phương, bộ mặt nông thôn Dương Minh Châu đã ngày càng khởi sắc, cuộc sống người dân được cải thiện nhờ những lợi ích của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, trong đó có phần đóng góp to lớn của chính người dân.
Theo BTNO