Công tác tuyên truyền, tập huấn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: Vai trò quan trọng góp phần trong thành công của các địa phương

Thứ tư - 21/05/2014 00:00 50 0
Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 là chương trình lớn và toàn diện lần đầu tiên được thực hiện toàn quốc nói chung, tỉnh Tây Ninh nói riêng. Do đó, công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đóng vai trò quan trọng trong thành công của các địa phương thực hiện Chương trình.

Nhờ công tác tuyên truyền, vận động, đường bao Thị trấn Bến Cầu, tuyến 1 dài 778m, có tổng mức đầu tư gần 5,7 tỷ đồng cơ bản sẽ hoàn thành vào cuối tháng 7/2014.

Từ năm 2011-2013, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã đã hoàn chỉnh hệ thống chỉ đạo, quản lý điều hành nông thôn mới (NTM) ở 3 cấp: tỉnh, cấp huyện, cấp xã và Ban phát triển ấp; chọn 25 xã thuộc 9 huyện, thị xã (nay là thành phố) để tập trung chỉ đạo điểm trong giai đoạn 2011-2015, mục tiêu đến năm 2015 có 17 xã (20% số xã của tỉnh) đạt xã NTM theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh.

Qua công tác triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình, Sở Nông nghiệp và PTNT (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 768/QĐ-UBND ngày 10/4/2012 về Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2013; phối hợp với Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và PTNT II tổ chức 12 lớp với 670 học viên là thành viên Ban chỉ đạo xây dựng NTM cấp tỉnh, huyện; cán bộ làm công tác dân vận và tuyên giáo, thành viên Văn phòng Điều phối; cán bộ các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; cán bộ các phòng, ban chuyên môn cấp huyện được phân công phụ trách lĩnh vực xây dựng NTM. Riêng đối với cán bộ cấp xã và Ban phát triển ấp, Ban chỉ đạo đã tổ chức được 34 lớp, 1.475 học viên tham dự, trong đó có 513 học viên thuộc 17 xã điểm. Thành phần được đào tạo, bồi dưỡng là thành viên Ban chỉ đạo, Ban quản lý NTM của xã, Ban phát triển ấp, Ban Giám sát cộng đồng và cán bộ cấp xã được phân công phụ trách lĩnh vực xây dựng NTM. Đến nay, cơ bản 100% cán bộ thuộc 17 xã điểm đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về xây dựng NTM. Trong năm 2013, Văn phòng Điều phối Chương trình phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy mở 02 lớp tập huấn kiến thức xây dựng NTM cho cán bộ làm công tác tuyên truyền cấp tỉnh và 09 lớp cho cán bộ làm công tác tuyên truyền cấp huyện, xã; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh đoàn tổ chức 38 lớp tập huấn hướng dẫn nội dung, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cho 1.900 cán bộ làm công tác tuyên truyền ở cơ sở. Các học viên tham dự được phổ biến về các nội dung liên quan đến xây dựng nông thôn mới như: Chính sách và pháp luật về quản lý, quy hoạch xây dựng nông thôn mới; lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch; quản lý xây dựng theo quy hoạch..., trao đổi trực tiếp với giảng viên những vấn đề xoay quanh việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới nhằm làm rõ hơn các nội dung trong quá trình triển khai Chương trình để phù hợp với thực tiễn địa phương mình. Thông qua các lớp tập huấn, đây là cơ hội để các cán bộ quản lý hoàn thiện vốn kiến thức, thống nhất định hướng triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng bước đầu đã đáp ứng nhu cầu đào tạo của địa phương, cung cấp những kiến thức cơ bản về xây dựng NTM cho cán bộ các cấp, làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện tốt Chương trình, nhất là ở cấp xã; các lớp cấp xã được mở tại huyện, thị nên thuận lợi cho việc đi lại của học viên. Tuy nhiên, do trình độ cán bộ cấp xã và cán bộ ấp không đồng đều, ảnh hưởng đến việc tiếp thu về mục đích, nội dung, nguyên tắc và phương pháp xây dựng NTM, nhất là việc lập đề án xây dựng NTM.

Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai đúng định hướng, có sự chuyển biến tích cực từ tỉnh đến cơ sở và toàn thể nhân dân; Chương trình xây dựng NTM đã được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ; người dân từng bước nhận thức về ý nghĩa, mục đích của chương trình và vai trò chủ thể của mình. Trong những năm qua, nhờ sự hỗ trợ tích cực của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể chính trị (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh), các tổ chức chính trị - xã hội, BCH Quân sự tỉnh, BCH Bộ đội biên phòng tỉnh, Sư đoàn Bộ binh 5, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT … , các phong trào: “Dân vận khéo” kết hợp với xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng NTM trong toàn hệ thống Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở; phong trào “Tuổi trẻ chung sức xây dựng NTM”, “Nông dân với xây dựng NTM”, “Lực lượng vũ trang tỉnh chung sức xây dựng NTM”, mô hình “Phụ nữ với xây dựng NTM” được tuyên truyền rộng rãi; các bản tin nội bộ tuyên truyền xây dựng NTM hỗ trợ các xã điểm Tân Hòa, Tiên Thuận, An Tịnh, Thái Bình… tham gia thực hiện các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, nhà ở, hộ nghèo, y tế, môi trường, an ninh trật tự…. Bên cạnh đó, từ khi UBND tỉnh phát động phong trào thi đua "Tây Ninh chung sức xây dựng NTM” (ngày 21/11/2011), đến nay toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền trong các hội nghị, trong việc vận động thực hiện các tiêu chí, lồng ghép trong các cuộc tiếp xúc cử tri được trên 112.614 cuộc với trên 600 ngàn lượt đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tham dự, trong đó Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với các ban, ngành, mặt trận, các đoàn thể địa phương tuyên truyền 487 cuộc với 47.964 lượt cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên tham dự; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan văn nghệ quần chúng tuyên truyền xây dựng NTM ở 25 xã điểm hội thi “ấp, phố vui chơi ca hát”, sáng tác tân, cổ nhạc tuyên truyền xây dựng NTM…

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo NTM tỉnh đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức đoàn thể trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng dân cư và mọi tầng lớp nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thông qua nhiều hình thức như: Phát hành tờ rơi, sổ tay về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng chuyên mục phát sóng trên Đài Phát thành - Truyền hình tỉnh, Báo Tây Ninh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Đài Truyền thanh 9 huyện, thành phố. Riêng Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh, trong 3 năm đã phát hành tài liệu tuyên truyền Chương trình MTQG xây dựng NTM (gồm 36.000 quyển Sổ tay hỏi, đáp và 90.500 tờ rời do Ban chỉ đạo tỉnh biên soạn) đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị; thành viên Ban chỉ đạo tỉnh, huyện, xã, Ban quản lý xã và Ban phát triển ấp để tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Trên cơ sở tài liệu tuyên truyền của tỉnh, các xã: Long Thành Bắc (Hòa Thành), Trà Vong (Tân Biên), Phước Trạch (Gò Dầu) đã chủ động nghiên cứu biên soạn lại cho phù hợp với điều kiện của xã để tuyên truyền trong nhân dân.

Kết quả, Mặt trận tổ quốc các cấp cùng chính quyền, các đoàn thể, các đơn vị lực lượng vũ trang và nhân dân đóng góp 166.573 ngày công, 223.208m2 đất, trong đó 174.798m2 đất làm đường giao thông nông thôn, 48.410m2 đất làm kênh nội đồng (điển hình là nhân dân xã Thanh Điền huyện Châu Thành hiến 25.250m2 làm đường giao thông; nhân dân xã Long Khánh, Lợi Thuận huyện Bến Cầu hiến 26.052m2 làm kênh nội đồng; Hội Cựu chiến binh xã Suối Dây, Tân Châu vận động hội viên và nhân dân đóng góp 54,4 triệu đồng làm đường GTNT, Hội Nông dân xã Phước Ninh, Dương Minh Châu vận động doanh nghiệp ủng hộ xây dựng cầu kênh TN0 trị giá 120 triệu đồng. Vận động doanh nghiệp và các mạnh thường quân xây dựng và bàn giao 2.514 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo (năm 2013 bàn giao 578 căn). Về tham gia phát triển sản xuất, 1.982 Hội viên Hội phụ nữ có kinh tế khá giúp 1.940 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 2,3 tỷ đồng; thực hiện mô hình nuôi cá lóc tại Làng thanh niên lập nghiệp Ninh Điền cho 30 đoàn viên với kinh phí 31 triệu đồng; Công đoàn ngành Nông nghiệp và PTNT có 13 công trình sản phẩm đã được đưa vào ứng dụng như: sản xuất lúa giống chất lượng cao, dự án khí sinh học,..

Đến cuối năm 2013, bình quân mỗi xã đạt 8,37 tiêu chí, tăng 5,4 tiêu chí so với thực trạng năm 2010 và gần bằng với bình quân cả nước (8,48 tiêu chí); nhóm các xã dẫn đầu gồm: Long Thành Trung đạt 15/19 tiêu chí, Bến Củi đạt 15/19 tiêu chí, Long Thành Bắc đạt 14/19 tiêu chí. Đối với 9 xã, trung bình mỗi xã đạt 11 tiêu chí, tăng 7,7 tiêu chí so với năm 2010.

Năm 2014, xác định các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí ở 9 xã; 75% cán bộ thuộc Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới các cấp được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về xây dựng nông thôn mới, chọn thêm 8 xã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa) năm 2015, các tiêu chí còn lại do xã tổ chức vận động nhân dân thực hiện để đến cuối năm 2014 cơ bản có 9 xã đạt chuẩn NTM, đến năm 2015 phấn đấu cơ bản hoàn thành xây dựng NTM ở 17 xã.

Tâm Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây