Đến nay toàn tỉnh đã và đang đầu tư xây dựng mới trên 1.700 hạng mục công trình chủ yếu với kinh phí đầu tư lên đến 1.662 tỷ đồng, tỉnh đã từng bước thực hiện thành công các giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống người dân nông thôn dần được cải thiện. Việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu khác để phát triển nông thôn được thực hiện hiệu quả điển hình như các Chương trình: Giảm nghèo, Nước sạch và Vệ sinh môi trường, Việc làm, Vệ sinh an toàn thực phẩm, Chương trình 135, Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở,...
Từ thực tế cho thấy, để đạt được kết quả như hiện nay trong quá trình thực hiện Chương trình tỉnh đã rút ra một số bài học kinh nghiệm để đạt được các bước tiến thành công trong nhưng năm tiếp theo như sau:
Trước hết là sự quan tâm sâu sát, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, Phải tăng cường việc đôn đốc, kiểm tra chất lượng, tiến độ triển khai Chương trình của Ban Chỉ đạo các cấp để kịp thời nắm bắt những khó khăn vướng mắc từ đó đề ra các giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Công tác tuyên truyền phải được tăng cường, đa dạng về hình thức và nội dung, đồng thời phải gắn với các hoạt động thực tiễn để người dân hiểu rõ nguyên tắc: người dân là chủ thể, huy động nội lực từ cộng đồng là chính, Nhà nước chỉ định hướng và hỗ trợ một phần, tránh tư tưởng trong chờ. Các cách làm hay sáng tạo, có sức lan tỏa phải được phổ biến kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để được vận dụng, nhân rộng.
Phát huy vai trò của mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang trong tuyên truyền vận động xây dựng nông thôn mới, đây là lực lượng hỗ trợ rất lớn cho chính quyền địa phương và nhân dân đồng thời trực tiếp thực hiện các tiêu chí như: giao thông nông thôn, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường khu dân cư,...đóng góp hiệu quả cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tùy theo đặc điểm và tình hình cụ thể, từng địa phương chủ động chọn tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm sau, huy động nguồn lực trong nhân dân theo nhiều hình thức: hiến đất, ngày công lao động, vật kiến trúc, hoa màu, cải tạo nâng cấp nhà ở,...tích cực vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã hỗ trợ địa phương xây dựng nông thôn mới.
Đội ngũ tham mưu thực hiện Chương trình ở các cấp phải được trang bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng về xây dựng nông thôn mới để nâng cao hiệu quả tham mưu chỉ đạo, điều hành, nhất là công tác thông tin, báo cáo tiến độ triển khai.
Việc bố trí ngân sách cho xây dựng nông thôn mới phải tập trung, không dàn trải, ban hành cơ chế đầu tư, phân định rõ trách nhiệm của từng cấp và thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư các công trình phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu có sự tham gia của người dân.
Mục đích cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập, qua đó cải thiện đời sống và nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho người dân. Vì vậy, việc xác định lợi thế, tổ chức lại sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế lao động, đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải đạt đồng bộ, trong đó việc cũng cố phát triển kinh tế tập thể là điều kiện hình thành các mô hình sản xuất tập trung, hiệu quả bền vững.
Cát Tường