Theo đó, mục tiêu của đề án là tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề; gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng của xã hội. Hình thành đội ngũ nhân lực đáp ứng đủ về số lượng, đạt về yêu cầu chất lượng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư vào những lĩnh vực đầu tư địa phương có tiềm năng; chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người lao động; hướng đến mọi cư dân của tỉnh trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động, sẵn sàng làm việc, đều có cơ hội tìm được việc làm ổn định, phù hợp. Giai đoạn 2017 - 2020, giải quyết 48.000 lao động, tổng số lao động làm việc tại địa bàn các KCN, KKT khoảng 150.733 lao động; Giai đoạn 2020-2025 giải quyết 50.000 lao động, nâng tổng số lao động làm việc tại địa bàn các KCN, KKT khoảng 200.733 lao động; Giai đoạn 2025-2030 giải quyết khoảng 50.000 lao động, nâng tổng số lao động làm việc tại địa bàn các KCN, KKT khoảng 250.733 lao động.
Nhiệm vụ của đề án là tiếp tục đẩy mạnh phát triển các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh theo các quy hoạch được duyệt tại Quyết định số 1048/QĐ-UBND ngày 15/5/2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 Khu công nghiệp dệt may và công nghiệp hỗ trợ TMTTC thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, Quyết định số 1668/QĐ-UBND ngày 26/8/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Đại An Sài Gòn thuộc Khu Kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh; quan tâm cải thiện môi trường đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào các KCN, KKT để đáp ứng nhu cầu phục vụ hiện tại và tính đến khả năng phục vụ lâu dài, đặc biệt là hệ thống đường liên vùng liên tỉnh; Tập trung thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc các dự án vào các KCN, KKT, nhất là các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, hạn chế dần việc tiếp nhận các dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông làm việc có tính chất nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thiết bị và công nghệ tiên tiến, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng nguyên liệu, năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề cho lao động chưa qua đào tạo để người lao động có thể tiếp cận ngay công việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn việc đào tạo với nhu cầu thị trường; Đẩy mạnh việc triển khai hiệu quả các chương trình kế hoạch, dự án phát triển kinh tế -xã hội, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực sẵn có, tạo ra nhiều việc làm; tập trung trí tuệ và nguồn lực phát triển nguồn nhân lực; Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động thông tin thị trường lao động tại các Trung tâm Giới thiệu việc làm nhằm giải quyết tốt hơn mối quan hệ về cung cầu lao động; đồng thời, thường xuyên thông tin tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người lao động về vấn đề lao động - việc làm.
Đề án được thực hiện bao gồm 09 giải pháp: Phân luồng giáo dục đào tạo; Cơ cấu thu hút vốn đầu tư theo hướng tiết kiệm lao động; Nâng cao tay nghề, nâng cao năng suất lao động; Tăng cường vai trò cùa doanh nghiệp nhằm cải thiện thu nhập, môi trường làm việc; Hướng nghiệp, giới thiệu việc làm nhằm cân đối cung cầu lao động; Thông tin tuyên truyền quảng bá nhu cầu lao động; Xây dựng hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa; Tăng cường vai trò đoàn thể trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; Xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện Đề án.
KGVX