Đường sá ở Phước Lưu nay đã thuận tiện cho việc đi lại hơn |
Kết quả sau 3 năm rưỡi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Trảng Bàng cho thấy: Phước Lưu là xã có số tiêu chí đạt được thấp nhất trong huyện (6/19). Đi sâu vào từng tiêu chí, sẽ thấy có khá nhiều điều “nghịch lý” khó tháo gỡ đang diễn ra trên vùng nông thôn sông nước này.
Cái cần cao thì thấp, cái cần thấp lại cao
Trở lại ấp Phước Giang- một ấp vùng sông nước của xã Phước Lưu, lần này tôi thật sự phấn khởi. Con đường nối từ trong giồng ngang qua địa bàn ấp, ra thẳng tới bờ sông Vàm Cỏ Đông dù đang là mùa mưa vẫn có thể đi lại dễ dàng. Nhiều con đường bờ đê, bờ đắp nối từ con đường chính vào các xóm nhà dân cũng rất dễ đi. Trên kênh rạch là những chiếc cầu bê tông thay thế cho cầu ván, cầu khỉ... trước kia.
Mới đây thôi, vào những ngày đầu tháng 7, bà con ấp Phước Giang rất vui mừng vì trên địa bàn có thêm một cây cầu bê tông mới. Cây cầu này do chính nhân dân trong ấp đóng góp tiền của, công sức lao động mà làm nên. Đó là cây cầu bắc qua kênh Giồng 1, dài 22 mét, rộng 1,5 mét, trị giá hơn 47 triệu đồng.
Ngày nay xe gắn máy đi lại được hầu hết các nơi trong ấp Phước Giang. Có đường, có cầu - giao thông suôn sẻ, dân cư có điều kiện thuận lợi để làm ăn. Một số hộ đã làm được nhà mới - điều mà những năm về trước nhiều người dân trong ấp chỉ có mơ.
Tuy vậy, sống ở một vùng nông thôn sông nước, nhiều người dân Phước Giang vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo khó do không có ruộng đất, không có điều kiện sản xuất và cũng không có nghề nghiệp ổn định.
Vừa lúi húi làm công việc nội trợ, anh Trần Minh Quý sinh năm 1979, ngụ ở tổ 37 vừa nói như tâm sự với giọng buồn buồn: “Là đàn ông trụ cột gia đình, tuổi còn trẻ, sức khoẻ cũng tốt, vậy mà suốt ngày chỉ loay hoay trong nhà lo việc bếp núc, ăn bám vợ, tôi buồn lắm. Nhưng tôi không biết làm gì hết, bởi nhà không có ruộng đất sản xuất, cũng không có vốn chăn nuôi.
Tôi xin đi làm công nhân cũng không công ty nào chịu nhận chỉ vì trình độ học vấn thấp!”. Anh Quý cho biết thêm, vợ chồng anh có 3 đứa con. Cả gia đình sống ở Phước Giang cũng lâu rồi. Ngoài miếng đất cất căn nhà ra, vợ chồng anh không có mảnh đất nào khác. Quanh năm anh chỉ biết đợi đến mùa thu hoạch lúa để đi làm thuê, mà cũng chỉ được vài ngày.
Mùa nước nổi thì đi đánh bắt cá. Những ngày còn lại anh không sao tìm được việc để làm, đành phải ngồi không chịu đựng cảnh túng thiếu. Cũng may là khoảng một năm nay, vợ anh xin được việc làm ở Khu công nghiệp Phước Đông - Bời Lời, với mức lương 3,2 triệu đồng/tháng.
Với mức thu nhập ấy, cuộc sống của cả gia đình 5 người khá là chật vật. Không riêng gì anh Quý mà trong ấp cũng còn một số lao động trẻ không có việc làm ổn định. Hiện tại, anh Quý chỉ mong ước làm sao có được một số vốn để mua một con bò cái về nuôi, hoặc được hướng dẫn làm một nghề gì đó có thể kiếm tiền, nhằm ổn định cuộc sống gia đình.
Theo lời ông Trần Văn Rơ- Bí thư Chi bộ ấp Phước Giang, toàn ấp có 211 hộ dân, trong số đó có tới 61 hộ nghèo (với 14 hộ nghèo theo chuẩn trung ương), chiếm tỷ lệ 28,9% tổng số hộ. Các hộ nghèo trên do không có ruộng, hoặc ruộng quá ít, lại không tìm được việc làm nào khác nên cứ… nghèo triền miên.
Ấp hiện có đến 40 hộ không có ruộng sản xuất, khoảng 80 hộ có dưới 50 cao ruộng (5.000 mét vuông). Tính ra, cả ấp có hơn 50% hộ không có ruộng và thiếu ruộng sản xuất. Thời gian gần đây nhờ đường sá lưu thông thuận tiện, nên nhiều lao động trong ấp, nhất là lao động nữ có thể đi làm công nhân. Nhờ vậy mà thu nhập các hộ này được nâng lên. Tuy nhiên, nếu tính thu nhập bình quân của người dân trong ấp so với mức quy định trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì vẫn còn khoảng cách rất xa.
So với người dân ở ấp Phước Giang nằm dọc bờ sông, thì cuộc sống của nhiều bà con ở các ấp khác trong giồng trên địa bàn xã Phước Lưu có phần đỡ hơn. Vì ngoài cây lúa ra, một bộ phận nông dân ở đây còn trồng được cây thuốc lá vàng và các loại hoa màu khác. Một số hộ sống bằng nghề thương mại, dịch vụ.
Nhưng tính chung số hộ nghèo toàn xã cũng còn rất cao. Theo số liệu tổng hợp của địa phương, xã Phước Lưu có 1.597 hộ dân, qua khảo sát năm 2013, xã có 267 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 16,91%; trong đó có 89 hộ nghèo chuẩn trung ương, chiếm tỷ lệ 5,64%- vượt xa tỷ lệ hộ nghèo diện trung ương của toàn huyện (2%).
Trong khi đó, mức thu nhập bình quân đầu người trong năm 2013 của xã là 9,6 triệu đồng/người/năm, thấp hơn nhiều so với mức thu nhập bình quân toàn huyện (17,13 triệu đồng/người/năm), và còn lâu mới chạm tới mức quy định trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới (30 triệu đồng/người/năm). Đúng là cái cần cao thì thấp, cái cần thấp lại cao!
Cầu Giồng 1 ở ấp Phước Giang do nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng. |
Làm sao đây ?
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Minh - Bí thư Đảng uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Phước Lưu cho biết, hằng năm số hộ nghèo trong xã có giảm xuống (năm 2013 giảm được 62 hộ so với năm 2012). Sở dĩ hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao và mức thu nhập của người dân còn thấp là do xuất phát điểm để vươn lên của xã Phước Lưu quá thấp.
Đây là xã thuần nông nhưng đất nông nghiệp lại ít so với số hộ dân. Toàn xã chỉ có 1.142 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có một số diện tích do người dân từ địa phương khác đến xâm canh. Nếu tính bình quân ra, mỗi hộ trong xã có khoảng 70 cao ruộng, nhưng thực tế có người nhiều đất, người ít đất và cũng có những người không có miếng ruộng nào, quanh năm suốt tháng chỉ đi làm thuê kiếm sống.
Hơn 10 năm nay, nhờ trồng cây thuốc lá vàng mà một bộ phận dân cư ở các ấp trong giồng đã có thu nhập khá hơn. Tuy nhiên, cây thuốc lá vàng cũng chỉ làm được một vụ Đông Xuân và diện tích đất trồng cũng chưa nhiều - mỗi năm chưa đến 200 ha.
Phần lớn diện tích đất nông nghiệp còn lại đều làm lúa. Khoảng 3 năm nay, nhờ có các khu công nghiệp, một bộ phận lao động trong xã tìm được việc làm. Song hiện vẫn còn một bộ phận lao động- nhất là lao động nam thiếu việc làm, vì không được nhận vào các khu công nghiệp.
Trả lời câu hỏi vậy theo dự tính năm nào xã Phước Lưu sẽ đạt chuẩn xã nông thôn mới, ông Minh nói: còn xa lắm! Vì cho đến nay xã mới chỉ đạt có 6/19 tiêu chí, còn lại đến 13 tiêu chí vẫn phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu. Trong đó, đáng quan tâm nhất là tiêu chí hộ nghèo và tiêu chí thu nhập - hai mặt của một vấn đề. Vậy thì giải pháp nào để Phước Lưu giảm nghèo một cách bền vững?
Theo vị lãnh đạo xã, trước hết là rất mong cấp trên đầu tư nhiều hơn nữa về xây dựng kết cấu hạ tầng cho xã, nhất là đường giao thông và hệ thống kênh mương. Thời gian qua, nhờ có đê bao tiểu vùng mà nhiều nông dân trồng lúa ở ấp Phước Giang đã làm được 3 vụ thay vì 2 vụ như trước đó.
Nhưng hiện nay ở ấp này cũng còn một số lớn diện tích ruộng chưa có đê bao, mỗi năm chỉ làm được 2 vụ lúa. Vì thế, địa phương đề nghị được tiếp tục đầu tư làm thêm một hệ thống đê bao tiểu vùng ở ấp Phước Giang.
Trước đây, một số nông dân trong xã tham gia mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất lúa. Hiệu quả đem lại từ mô hình này rất khả quan, thế nhưng số hộ và số diện tích tham gia mô hình chưa nhiều. Các ngành chức năng cần tiếp tục thực hiện, mở rộng hơn nữa mô hình này trên địa bàn xã Phước Lưu.
Cùng với việc mở rộng diện tích, nông dân rất cần có sự liên kết của các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Những hộ thiếu ruộng đất sản xuất cũng rất cần được các ngành chức năng hướng dẫn đào tạo nghề phù hợp với đặc điểm địa phương; đồng thời tạo điều kiện cho các hộ này phát triển các ngành nghề sau khi qua đào tạo.
Trên địa bàn xã Phước Lưu hiện đã thành lập được một hợp tác xã nuôi trồng thuỷ sản, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả, nên cần được các cấp, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác xã phát huy được tác dụng của mình. Chính quyền địa phương cũng đề nghị các công ty, xí nghiệp mở rộng hơn nữa đối tượng tuyển dụng lao động phổ thông, tạo cơ hội cho lao động nam đang rất cần việc làm. Hiện nay, chính quyền xã đang kêu gọi và sẵn sàng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tìm đến đây, nhằm tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động tại chỗ.
Theo BTNO