Thực tế cho thấy, các phong trào hầu như vẫn chưa xác định được rõ vai trò, tầm quan trọng và mục tiêu hướng tới, cho nên mới có chuyện ở nhiều nơi cho rằng, phong trào "làng, ấp, xã văn hóa" là then chốt và là hình thái xây dựng cao hơn "khu dân cư tiên tiến, xuất sắc" hoặc có địa phương lại thấy phong trào "xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư" mới là cơ bản... Cũng từ đó, tuy cùng một tính chất, nội dung như nhau nhưng các ngành, các giới và đoàn thể lại đề ra các tiêu chí, tiêu chuẩn, chỉ tiêu XDÐSVH ở cơ sở theo kiểu của mình, chồng lấn lên nhau. Trong khi ngành văn hóa đề ra bốn tiêu chí xây dựng "Gia đình văn hóa" thì Hội Liên hiệp Phụ nữ lại có sáu tiêu chuẩn, còn Hội Nông dân đề ra sáu chuẩn mực... Như vậy, mỗi gia đình phải tiếp nhận và chịu áp lực của nhiều ngành, đoàn thể ở địa phương với các tiêu chí nội dung khác nhau. Ngoài ra, bộ máy chỉ đạo cuộc vận động ở các cấp, các địa phương còn cồng kềnh, kinh phí tổ chức hoạt động eo hẹp, trình độ chuyên môn cán bộ cơ sở chưa đáp ứng kịp với yêu cầu thực tế, đời sống khó khăn; sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể thiếu chặt chẽ, còn nặng về chạy theo thành tích.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến các bất cập nêu trên là chưa có sự thống nhất trong nhận thức của lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương về vai trò, tầm quan trọng cũng như tiến trình thực hành của toàn cuộc vận động. Ðiều này cho thấy, để nâng cao chất lượng XDÐSVH ở cơ sở cần phải xác định được rõ vai trò của chủ thể "tự quản" ở cơ sở: khu dân cư, phường, xã, làng, bản... thông qua các phong trào, các cuộc vận động với mục tiêu thiết lập các chuẩn mực hoạt động và giao tiếp xã hội ở cộng đồng dân cư. Yếu tố tự quản, quan hệ tình làng nghĩa xóm chi phối cơ bản quá trình quản lý hoạt động văn hóa ở cơ sở. Kết hợp hài hòa giữa quản lý của chính quyền với tổ chức tự quản sẽ tránh được sự hành chính hóa bộ máy, phát huy tính tích cực xã hội của nhân dân, thực hiện dân chủ hóa trong hoạt động văn hóa cơ sở. Ðể triển khai hiệu quả cuộc vận động nhất thiết phải dựa trên nguyên tắc đồng thuận, cụ thể hóa theo nguyên tắc nhân dân làm chủ (dân biết, dân bàn, dân kiểm tra), từ đó xây dựng thành những quy ước và được nhân dân tự nguyện thực hiện. Có như vậy, mới quy tụ thành sức mạnh đoàn kết của các lực lượng xã hội, song cách làm ở mỗi nơi phải phù hợp với khả năng, nguyện vọng của nhân dân và phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội, phong tục tập quán, tôn giáo từng vùng, từng khu dân cư, làng, bản, ấp...
Bên cạnh đó, quá trình XDÐSVH ở cơ sở cần hình thành và triển khai tốt hệ thống cấu trúc hai chiều "đưa văn hóa về cơ sở" và "xây dựng mô hình hoạt động tại chỗ" theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Ðây được xem như một nguyên lý vận động cơ bản, tác động qua lại lẫn nhau, vừa bảo đảm tính thông tin định hướng từ trên xuống, vừa phản ảnh những thông tin từ cơ sở lên trên, giúp các cấp quản lý xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hoạch định chính sách văn hóa phù hợp thực tế đời sống. Ở đây, hướng tới tính hiệu quả là phát huy cái hay và những thành tựu đã đạt được cùng kinh nghiệm tích lũy để vận dụng trong điều kiện mới. Cần có một hệ thống phương pháp đồng bộ, khoa học và không ngừng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức để thực hiện nội dung, làm cho nội dung trở nên tinh tế và hấp dẫn, lôi cuốn mọi người tham gia hoạt động, vừa sáng tạo, vừa hưởng thụ những giá trị do chính họ làm ra. Chẳng hạn như xây dựng phong trào văn nghệ thì có hình thức "Liên hoan đàn ca tài tử, hát cho nhau nghe"; vận động về môi trường xanh sạch đẹp có cuộc vận động "Ngày thứ bảy đẹp nhà, sạch phố"... Sự sáng tạo trong hình thức vận động với yêu cầu: mới - lạ - hay- bổ ích và thiết thực là những tiêu chí trong việc đa dạng hóa hình thức XDÐSVH cơ sở.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả XDÐSVH cơ sở là quá trình liên tục, lâu dài, đòi hỏi một quy trình lãnh đạo, quản lý đồng bộ, toàn diện, đề cao tính tự quản của nhân dân ở mỗi cộng đồng. Ðó là những vấn đề cốt yếu để đời sống văn hóa ngày một nâng cao và phát triển.
Theo nhandan.com.vn