Hiện nay, lượng rác thải ở khu vực nông thôn ngày càng nhiều trong đó khối lượng rác thải, nước thải sinh hoạt và phần lớn lượng vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom xử lý hợp vệ sinh, xả trực tiếp ra môi trường. Sự tích tụ của các hóa chất độc hại, kim loại nặng trong đất làm tăng khả năng hấp thụ các nguyên tố có hại cho cây trồng, vật nuôi và gián tiếp gây ảnh hưởng sức khỏe con người. Hằng ngày, người dân nông thôn phải đối mặt với nhiều loại chất thải khác nhau nhưng giải pháp lại chưa thể phát huy hiệu quả. Do việc phân loại chất thải nông thôn hiện nay vẫn còn hạn chế, cho nên các chất thải sinh hoạt không được phân loại tại nguồn, bị vứt bừa bãi ra đường làng, ngõ xóm. Một số nơi không quy định bãi tập trung rác, không có nhân viên thu gom rác. Vì vậy, lượng rác tồn đọng tại các kênh, mương, khe, suối rất lớn, dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Mục tiêu chung của tiêu chí bảo vệ môi trường là nâng cao chất lượng môi trường sống ở khu vực nông thôn. Nhưng để thực hiện được tiêu chí này, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp.
Trước hết là khơi dậy tính tự giác, trách nhiệm của người dân. Tăng cường giáo dục ý thức cho học sinh trong nhà trường. Phát huy và nhân rộng các mô hình có sẵn ở địa phương như "Bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp", mô hình đăng ký "Không vứt rác, xác động vật gây ô nhiễm môi trường". Khuyến khích sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, xây dựng hầm bi-ô-ga để kết hợp xử lý chất thải chăn nuôi và nhà vệ sinh. Đưa việc bảo vệ môi trường vào hương ước ấp, tiêu chuẩn xếp loại gia đình, khu dân cư, ấp và xã văn hóa. Cần lập các tổ giám sát của ấp, xã hoạt động thường xuyên để kiểm tra, nhắc nhở; chú ý các vùng giáp ranh giữa các địa phương. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trong việc thực hiện bảo vệ môi trường.
Các ngành, chính quyền địa phương cần thường xuyên tổ chức, tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân nhận thức về sự nguy hiểm của ô nhiễm môi trường, nhất là vấn đề rác thải, từ đó thay đổi hành vi trong sinh hoạt, cuộc sống, nhằm bảo vệ môi trường. Vận động mỗi gia đình nên thu gom rác thải, phân loại và xử lý, khuyến khích hộ chăn nuôi quy mô lớn sử dụng hầm khí sinh học bảo vệ môi trường. Các xã cần sớm quy hoạch nơi thu gom, xử lý rác thải. Mỗi địa phương nên thành lập đội bảo vệ môi trường để quản lý, đôn đốc và xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường nông thôn, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học dùng trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học dùng trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
MN