Mô hình nuôi bò (Ảnh minh họa) |
Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân sinh sống ở khu vực nông thôn là mục tiêu được tỉnh ta đặc biệt quan tâm trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Dó đó, trong thời gian qua nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai thực hiện thông qua việc lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện Chương trình, điển hình: trong năm 2013 vốn lòng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 42,4 tỷ đồng, gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường là 12,912 tỷ đồng; Chương trình khuyến nông 3,566 tỷ đồng (trong đó hỗ trợ mô hình liên kết 4 nhà 1,761 tỷ đồng); Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình 135) là 9,231 tỷ đồng; Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới (Chương trình 160) là 8,581 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm để hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững. Các địa phương đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đưa giống cây trồng, vật nuôi năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Qua đó, năng suất cây trồng, vật nuôi tăng cao so với giai đoạn bắt đầu thực hiện chương trình.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Chương trình đã triển khai dự án hỗ trợ mô hình nuôi bò sinh sản ở 4 xã (Bình Minh, Thạnh Bình, Chà Là, Long Thành Bắc); 01 mô hình nuôi bò sữa xã An Tịnh; mô hình khuyến nông cho 4 xã (Thanh Điền, Phước Trạch, Phước Đông, Bàu Đồn) và mô hình nuôi ba ba xã Tân Hòa. Các mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa theo hướng VietGAP và cánh đồng mẫu lớn vụ Đông- xuân thực hiện trên 14 xã thuộc 6 huyện trọng điểm trồng lúa của tỉnh với diện tích là 2.090 ha, vụ Hè- thu tăng lên 2.377 ha. Mô hình đã giúp cho bà con nông dân có kỹ thuật canh tác tiên tiến, tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường và tăng lợi nhuận so với canh tác ngoài mô hình. Điều đáng nói là hiệu quả đạt được của mô hình có sức lan tỏa rộng khắp, đây là tiền đề để xây dựng vùng lúa chất lượng cao, sản xuất theo hướng VietGAP với diện tích lớn. Bên cạnh đó, các mô hình, dự án phát triển các loại cây trồng khác như: mô hình thâm canh nhãn, thâm canh thanh long theo hướng GAP, mô hình sản xuất nắm sò, mô hình trồng lan cắt cành và các dự án thâm canh cây mía, mì hom đứng, bông thiên lý, mãng cầu,...cũng được triển khai hiệu quả.
Cuộc đua nước rút
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2014 Tây Ninh sẽ có 9 xã trọng điểm hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đó là (xã Long Thành Trung, xã Bến Củi, xã Phước Trạch, xã An Tịnh, xã Thạnh Đông, xã Thạnh Bình, xã Bình Minh, xã Long Khánh, xã Thanh Điền) . Tính đến thời điểm hiện tại, trong phạm vi 9 xã trọng điểm, xã có tiêu chí đạt thấp nhất là 11/19 tiêu chí và xã đạt tiêu chí cao nhất là 18/19 tiêu chí. Dó đó, để đẩy nhanh tiến độ về đích xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã tập trung phát triển sản xuất, xây dựng và hình thành các hình thức hợp tác trong sản xuất, phát triển thị trường để nâng cao giá trị thu nhập cho người dân. Đồng thời huy động tốt các nguồn lực, đặc biệt là huy động nội lực trong nhân dân để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án phục vụ dân sinh. Tỉnh cũng yêu cầu các ngành, địa phương rà soát lại các tiêu chí đã hoàn thành để đề ra phương án, lộ trình thực hiện các tiêu chí còn lại nhất là các tiêu chí phục vụ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đồng thời cân đối nguồn kinh phí để hỗ trợ đầu tư cho các địa phương đi đầu và thực hiện hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh.
Cánh đồng mẫu (Ảnh minh họa) |
Cát Tường