Vai trò của người nông dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới

Thứ ba - 19/08/2014 00:00 87 0
Hiện nay, cả nước ta đang nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, Đảng và Nhà nước ta khẳng định, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nông dân đóng vai trò “chủ thể”.

 

 

Người dân đang tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn (Ảnh minh họa)

 Đây là sự khẳng định vô cùng đúng đắn, cần thiết, nhằm phát huy nhân tố con người, khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng của nông dân vào công cuộc xây dựng nông thôn cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, nông dân cũng là những người trực tiếp được hưởng lợi từ những hiệu quả mà Chương trình mang lại.

Xây dựng nông thôn mới là một trong những nội dung quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, nông dân là chủ thể trong việc xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, làm cho mỗi người được thụ hưởng một cách tốt nhất những giá trị vật chất và tinh thần. Công cuộc xây dựng nông thôn mới là một quá trình khó khăn, lâu dài đòi hỏi sự đóng góp rất lớn của bà con nông dân. Để công cuộc xây dựng nông thôn mới đi đến thành công, phong trào ngày càng lớn mạnh, người nông dân luôn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và có những chính sách phù hợp tạo điều kiện, cơ hội để thúc đẩy cho nông dân ý thức được vai trò của mình, tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng quê hương, đất nước.

Vai trò “chủ thể” của nông dân trong xây dựng nông thôn mới được thể hiện trong việc người dân trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng quy hoạch, đồ án và đề án của địa phương, tham gia giám sát, thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở cơ sở, tham gia lao động, sản xuất phát triển kinh tế, vận dụng các công nghệ khoa học tiên tiến vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, nông dân cũng là chủ thể tích cực, sáng tạo trong xây dựng và gìn giữ đời sống văn hoá – xã hội, môi trường ở nông thôn, là nhân tố góp phần quan trọng vào xây dựng hệ thống chính trị - xã hội vững mạnh, bảo đảm an ninh trật tự xã hội ở cơ sở.

Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chiến lược, mở ra nhiều triển vọng cho sự phát triển về mọi mặt đời sống của bà con nông dân, bên cạnh đó nó cũng mang nhiều thách thức đòi hỏi cần phát huy nhiều hơn nữa vai trò nông dân trong xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay. Để đạt được mục tiêu cho chiến lược dài hạn này, đòi hỏi các cấp, ngành cần tập trung làm tốt một số vấn đề cơ bản sau:

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội trong tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở nông thôn. Nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức địa phương. Tăng cường hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền cơ sở. Củng cố tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là tổ chức Hội Nông dân. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để nông dân phát huy vai trò mình trong xây dựng nông  thôn mới.

Phát huy tính dân chủ, khơi dậy tiềm năng của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Thực hiện có hiệu quả giữa chính sách kinh tế, chính sách xã hội trong quá trình phát triển nền kinh tế bền vững của cả nước nói chung và của từng địa phương nói riêng. Giải quyết tốt những bức xúc của nhân dân trong quá trình phát triển công nghiệp và đô thị hoá, bảo đảm lợi ích cho người nông dân. Phát huy dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”. Khơi dậy, sử dụng và phát huy tốt mọi tiềm năng của nông dân, như: nguồn nhân lực tại chỗ, đa dạng hóa ngành nghề, kinh nghiệm trong sản xuất và sự gắn bó với quê hương. 

Đẩy mạnh công nghệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tích cực xoá đói giảm nghèo. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định, do đó cần thực hiện rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, hiện đại. Đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, tiếp tục đổi mới và tổ chức lại sản xuất nông, lâm nghiệp, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh đầu tư và hỗ trợ tín dụng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, đồng thời tiếp tục đẩy nhanh quá trình xây dựng, hoàn thiện và phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn như: giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, chợ, bưu điện và nhà ở dân cư nông thôn. Tiếp tục thực hiện tốt công cuộc xoá đói, giảm nghèo, tạo việc làm nhằm ổn định đời sống và nâng cao thu nhập cho nông dân. 

Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề, nâng cao dân trí, tiến tới trí thức hoá đội ngũ cán bộ cơ sở. Nâng cao chất lượng đời sống văn hoá - xã hội ở nông thôn văn minh, hiện đại. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ động nhằm chuyển biến và nâng cao nhận thức trọng nông dân về chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó lôi cuốn họ tham gia tích cực với vai trò là chủ thể của phong trào này.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các cấp học, nhất là giáo dục phổ thông nhằm nâng cao trình độ dân trí, trí thức hoá đội ngũ cán bộ cơ sở ở nông thôn. Trước hết là đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho nông dân.

Xây dựng đời sống văn hoá mới lành mạnh, bảo vệ thuần phong mĩ tục ở nông thôn. Xây dựng môi trường văn hoá, đội ngũ cán bộ văn hoá thông tin cơ sở, các đội văn hoá, văn nghệ, thể thao quần chúng,… thực hiện dân chủ hoá đời sống tinh thần ở nông thôn. Nâng cao chất lượng và hiệu quả khám chữa bệnh cho nhân dân, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái xanh - sạch - đẹp, hiện đại ở nông thôn giữ vững an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Trong quá trình thực hiện các mục tiêu đề ra phải được tiến hành đồng bộ và toàn diện nhằm khơi dậy và phát huy tốt vai trò người nông dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, đó chính là nhân tố quyết định đến sự thắng lợi và mang đến thành công cho Chương trình.

Cát Tường

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây