Kết quả 3 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Thứ năm - 14/08/2014 00:00 77 0
Trong 3 năm (2011-2013), Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh đã được triển khai sâu rộng khắp và được nhân dân tích cực hưởng ứng.

 

 

Công tác tuyên truyền nội dung các cuộc vận động của phong trào được đẩy mạnh, thông qua các hình thức phong phú, đa dạng, tuyên truyền về các nội dung tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; thực hiện phóng sự chuyên đề tuyên truyền về cuộc vận động xây dựng “Điểm sáng văn hóa biên giới”. Kiểm tra chấm điểm đơn vị văn hóa khối cơ quan; khảo sát 10 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh; khảo sát, kiểm tra Điểm sáng văn hóa biên giới; khảo sát xây dựng môi trường văn hoá tốt của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, đơn vị văn hoá Công an; xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma tuý, mại dâm; kiểm tra, khảo sát danh hiệu ấp, khu phố văn hóa đối với các ấp, khu phố thành lập mới trên địa bàn huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Thị xã; thẩm định công nhận, công nhận lại đối với các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh ….

Đẩy mạnh công tác tập huấn, tham quan, học tập kinh nghiệm trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới tại các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Đắk Lắk, Cà Mau, Bến Tre.

Đặc biệt, trong năm 2013, Ban chỉ đạo đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Năm gia đình Việt Nam, tuyên dương khen thưởng 72 GĐVH tiêu biểu và chọn cử, giới thiệu 9 GĐVH tiêu biểu xuất sắc tham dự Hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ II tại Hà Nội.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại các xã/phường/thị trấn đạt nhiều hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện xây dựng gia đình văn hoá, ấp/khu phố văn hoá. Tính đến tháng 12/2013 có 42/95 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa, tỷ lệ 44,2%; có 12 chợ được công nhận “Chợ vệ sinh, trật tự, an toàn”; 99,7% cơ sở Tín ngưỡng – tôn giáo đạt cơ sở tín ngưỡng – tôn giáo văn minh.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được thực hiện ngày càng tốt hơn trong nhân dân, đặc biệt trong các gia đình văn hoá, ấp văn hoá. Việc để người chết quá giờ quy định, tục rắc vàng mã, chôn người chết trong đất thổ cư giảm đáng kể trong các tầng lớp nhân dân; việc cưới ngày càng theo hướng tiết kiệm; lễ hội tổ chức trang trọng, đúng quy định.

         Phong trào "TDĐKXDĐSVH" được triển khai một cách đồng bộ ở 3 cấp: tỉnh, huyện, xã. Phong trào đã góp phần tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, không chỉ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân mà còn là điều kiện củng cố hệ thống chính trị, cũng như có sự gắn kết nhiều cuộc vận động đang được Đảng, Nhà nước phát động như “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…

         Phong trào đã huy động sức mạnh của nhân dân đóng góp công sức, tiền của xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa; cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn, phát quang dọn dẹp đường làng ngõ xóm, khai thông cống rãnh, nạo vét kênh mương; xây tặng nhà tình nghĩa cho các gia đình thương binh - liệt sĩ, gia đình chính sách; giúp đỡ các gia đình nghèo, neo đơn về điều kiện sản xuất, làm ăn; mổ mắt, khám và phát thuốc miễn phí cho người nghèo; bảo trợ bệnh nhân nghèo, trẻ em mồ côi, lang thang, người già neo đơn, người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam . . . đã trở thành hoạt động thường xuyên ở cộng đồng dân cư. Ngoài ra thông qua phong trào những nét đẹp truyền thống trong mối quan hệ ứng xử, tình cảm giữa người và người được gìn giữ và phát huy; nhiều mô hình làm ăn phù hợp ở địa bàn dân cư được tập trung triển khai nhân rộng nhằm tạo điều kiện cho dân cư có điều kiện sản xuất, vươn lên cải thiện cuộc sống.

MN

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây