Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu - 15/08/2014 00:00 121 0
Khi bắt đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh có 82 xã nông thôn, cuối năm 2013 có 2 xã thuộc địa bàn thị xã Tây Ninh là xã Ninh Sơn và Ninh Thạnh được nâng cấp lên thành hai phường thuộc thành phố Tây Ninh. Tính đến nay toàn tỉnh đã hoàn thành phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới cho 100% số xã. Ngay sau khi quy hoạch được phê duyệt các địa phương đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án để bắt tay vào thực hiện.

 

 

Người dân tham gia xây dựng giao thông nông thôn

Qua 3 năm thực hiện cho thấy công tác tuyên truyền vận động được triển khai đúng hướng, có sự chuyển biến tích cực từ tỉnh đến cơ sở và toàn thể nhân dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, từng bước người dân nhận thức được ý nghĩa và mục đích của chương trình và vai trò chủ thể của mình.

Ban chỉ đạo tỉnh đã chọn được 25 xã làm điểm để chỉ đạo, bước đầu một số xã điểm đã tạo được phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới sôi nổi, nhân dân ủng hộ chủ trương xây dựng nông thôn mới. Mức đóng góp của doanh nghiệp và nhân dân năm sau cao hơn năm trước, vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư nông thôn được nâng lên. Cấp ủy và chính quyền các cấp nhận thức rất rõ công tác xây dựng nông thôn mớ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện thường xuyên quan tâm chỉ đạo các xã tổ chức triển khai chương trình đúng trình tự các bước theo quy định, kịp thời tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm đề ra những giải pháp khắc phục những hạn chế yếu kém.

Tuy nhiên nhận thức của một bộ phận nhân dân và một số ít cán bộ, công chức, đơn vị về xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ, công tác chỉ đạo ở một số ngành, cấp lúc đầu còn lúng túng, chất lượng quy hoạch, xây dựng đề án còn hạn chế. Trong công tác tuyên truyền vận một số cơ quan, địa phương thực hiện chưa thường xuyên, chưa kịp thời, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, chưa gắn công tác tuyên truyền với việc tổ chức thực hiện. Nguồn lực thực hiện chương trình còn ít trong khi nhu cầu để thực hiện một số tiêu chí (giao thông, thủy lợi, trường học) rất lớn, một số nơi chưa thực sự coi trọng việc phát triển sản xuất, chưa có nhiều mô hình sản xuất để học tập, khi có mô hình rồi công tác nhận rộng còn chậm. Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Nguyên nhân của hạn chế là do xây dựng nông thôn mới là công việc mới, khó khăn phức tạp đòi hỏi có nguồn lực lớn, trong khi tiềm lực kinh tế của tỉnh có hạn, nội dung xây dựng nông thôn mới liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội, phạm vi địa bàn nông thôn rộng lớn, chưa có mô hình mẫu, các cấp các ngành chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai chương trình. Việc hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình, nhất là hướng dẫn quy hoạch xây dựng nông thôn mới còn chậm và chưa đồng bộ, một số tiêu chí chưa phù hợp với thực tiễn dịa phương. Trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế, một bộ phận chưa đáp ứng nhiệm vụ theo tiêu chuẩn cán bộ quy định. Công tác tuyên tuyền vận động đã tích cực nhưng chưa sâu rộng nên một bộ phận không nhỏ cán bộ và nhân dân nhận thức về xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ. Còn một số địa phương trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nên chưa tích cực huy động các nguồn lực khác, xây dựng kế hoạch đầu tư quá cao so với nguồn lực hiện có, nhất là tiêu chí về giao thông, nên khi triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Thực tế cho thấy những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua gắn liền với sự quan tâm sâu sát, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Ban chỉ đạo các cấp phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện chương trình để nắm bắt những khó khăn vướng mắc của cơ sở từ đó đề ra những giải pháp tháo gỡ kịp thời. Công tác tuyên truyền phải đa dạng, nhiều hình thức, gắn với hoạt động thực tiễn để cả hệ thống chính trị và người dân hiểu rõ nguyên tắc: Người dân là chủ thể, huy động nội lực từ cộng đồng là chính, Nhà nước chỉ định hướng và hỗ trợ một phần, tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Các cách làm hay, sáng tạo có sức lan tỏa phải được phổ biến kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để được vận dụng nhân rộng. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang trong tuyên truyền vận động xây dựng nông thôn mới, đây là lực lượng hỗ trợ rất lớn cho chính quyền địa phương và nhân dân đồng thời là người trực tiếp thực hiện các tiêu chí như: giao thông nông thôn, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường khu dân cư…đóng góp hiệu quả cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới. Tùy theo đặc điểm và tình hình cụ thể, nhu cầu của người dân, từng địa phương chủ động chọn tiêu chí dễ làm trước khó làm sau, huy động nguồn lực trong dân theo nhiều hình thức như: hiến đất, ngày công lao động, vật kiến trúc, hoa màu, cải tạo nâng cấp nhà ở..tích cực vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã hỗ trợ địa phương xây dựng nông thôn mới. Đội ngũ tham mưu thực hiện chương trình ở các cấp phải được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về xây dựng nông thôn mới để nâng cao hiệu quả tham mưu chỉ đạo, điều hành nhất là công tác thông tin báo cáo tiến độ trển khai. Việc bố trí ngân sách cho xây dựng nông thôn mới phải được tập trung, không dàn trải, ban hành cơ chế đầu tư, phân định rõ trách nhiệm của từng cấp và thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư các công trình phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phải có sự tham gia của người dân.   

Đó là một số kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn hơn 3 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. 

Quang Dững

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây