Xây dựng Gia đình văn hóa là góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội

Thứ ba - 26/08/2014 00:00 36 0
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Tây Ninh, trong năm 2013, toàn tỉnh có 261.921 hộ gia đình được công nhận danh hiệu GĐVH (chiếm tỷ lệ 94,9%). Có 505/542 ấp, khu phố được công nhận danh hiệu ấp/khu phố văn hoá (93,2%), có 42/95 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa (44,2%).

 

 

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và được coi là một trong những nội lực quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tuy nhiên, có một thực tế là trong khi xã hội vẫn không ngừng phát triển đi lên tốt đẹp, thành tích xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa, đơn vị văn hóa, xã, phường, thị trấn văn hóa mỗi năm đều tăng nhưng tệ nạn xã hội và các hiện tượng tiêu cực xã hội cũng như các loại tội phạm xã hội cũng có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp.

Thực tế đó đòi hỏi các sở, ban, ngành, chính quyền và tổ chức đoàn thể các cấp cần có những chiến lược và giải pháp cụ thể để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng Gia đình văn hóa- giải quyết cái gốc cốt lõi cơ bản gia đình là tế bào xã hội - tế bào lành mạnh thì xã hội lành mạnh, đồng thời trấn áp các loại tội phạm, đấu tranh làm giảm các loại tệ nạn xã hội.

 Để quản lý tốt vấn đề gia đình và ngăn chặn tội phạm, tiến tới giảm các tệ nạn xã hội cần tăng cường giáo dục đạo đức và lối sống cho thanh niên và học sinh trong nhà trường, không chạy theo bệnh thành tích, chú trọng chất lượng học thật, thi thật, bằng thật để tạo động lực phấn đấu đúng đắn cho thế hệ trẻ.

Đặc biệt coi trọng giáo dục gia đình. Giáo dục gia đình phải được coi là giáo dục nền tảng để xây dựng nhân cách con người ngay từ khi lọt lòng cho đến khi trưởng thành, rồi mới đến giáo dục văn hóa trong trường học. Do vậy xây dựng gia đình văn hóa vẫn là một mục tiêu đồng thời là một giải pháp quan trọng để ngăn chặn tệ nạn xã hội và tội phạm.

Tăng cường quản lý Nhà nước về vấn đề gia đình thông qua các chủ trương, chính sách, chiến lược và kế hoạch mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn, đây là một trách nhiệm của Đảng, của Nhà nước, của các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp và của toàn dân. Nhà nước ta sẽ tiếp tục thể chế hóa các chính sách về gia đình Việt Nam trong từng giai đoạn, trên cơ sở đó xây dựng trách nhiệm của các ban, ngành, các địa phương và thống nhất từ Trung ương đến cơ sở thực hiện.

Quan tâm đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào khác để hỗ trợ và thúc đẩy phong trào xây dựng gia đình văn hóa; tăng cường tôn vinh, biểu dương khen thưởng kịp thời những gia đình, những tập thể cơ quan, đơn vị địa phương thực hiện tốt phong trào trên.

Bên cạnh đó, mỗi người cần nhận thức sâu sắc vai trò ý nghĩa của việc xây dựng gia đình. Mỗi thành viên trong gia đình phải phát huy tốt những giá trị đạo đức của gia đình truyền thống, giữ vững gia phong, làm tốt việc giáo dục con cái, trong đó người lớn luôn luôn gương mẫu để gia đình phát triển sức mạnh nội sinh, trở thành thành lũy ngăn chặn tệ nạn xã hội.

MN

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây