Xây dựng giao thông nông thôn - Dân thuận mới nên

Thứ ba - 18/03/2014 00:00 33 0
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) gồm 19 tiêu chí lớn, 39 chỉ tiêu cụ thể bao trùm toàn bộ đời sống kinh tế xã hội nông thôn. Trong số các tiêu chí xây dựng NTM, tiêu chí về đường giao thông nông thôn (GTNT) tưởng là dễ nhưng thật ra cũng đầy cam go, phải cần đến sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận cao của người dân ở địa phương thì mới mong đạt được kết quả.

Ông Lê Minh Luyến - Phó Ban giám sát cộng đồng xã Tân Hưng xem xét việc thi công đường số 14.

Để thực hiện thành công toàn bộ tiêu chí trên, việc huy động sức dân (công sức, tiền của do người dân và cộng đồng tự bỏ ra) đóng một vai trò hết sức quan trọng. Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, trong đó có việc huy động thực hiện tiêu chí về đường GTNT, kết quả cho thấy một số địa phương làm khá tốt, tuy nhiên cũng còn không ít nơi cứ loay hoay, lúng túng, chưa biết phải làm sao!

Quan trọng nhất - lòng dân

Phong trào toàn dân tham gia xây dựng đường GTNT ở các xã trong toàn tỉnh đã và đang được triển khai thực hiện khá sôi nổi, có sự tham gia hưởng ứng của số đông các doanh nghiệp, nhất là ở các xã được chọn làm điểm triển khai thực hiện xây dựng NTM. Tuy nhiên, cũng phải nói không phải lúc nào và ở đâu cũng dễ dàng có được sự tự giác, đồng thuận ấy.

Xã Thanh Điền (huyện Châu Thành) là địa phương được chọn làm điểm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Lúc đầu nhiều người dân địa phương có chung suy nghĩ: Nhà nước phải đầu tư toàn bộ các công trình phúc lợi công cộng, không ai nghĩ đến việc phải đóng góp vào đó.

Qua công tác tuyên truyền, vận động của địa phương, dần dần bà con cũng nhận thức được vấn đề-  nguồn vốn xây dựng GTNT là do người dân sở tại tự đóng góp, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần.

Huy động sức dân xây dựng NTM, xã Thanh Điền đã chọn ấp Thanh Thuận để triển khai làm điểm. Kết quả trong năm 2013, nhân dân ấp Thanh Thuận sau khi bàn bạc dân chủ đã đi đến quyết định thống nhất: trải thảm bê tông 4 tuyến đường dài gần 1.000 mét trong ấp với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng.

Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 140 triệu đồng, còn lại do người dân đóng góp. Nhiều hộ dân đã tích cực hưởng ứng, giữ vai trò “đầu tàu” trong việc đóng góp như hộ bà Nguyễn Thị Kim Nhung (góp 80 triệu đồng), hộ bà Đinh Thị Ngọc Hà (đóng góp cả đất và tiền mặt trị giá 53 triệu đồng), hộ bác sĩ Bùi Trọng Hiệt (40 triệu đồng), hộ ông Võ Đức Trong - đảng viên cư trú tại ấp (tiền mặt và phương tiện trị giá 25 triệu đồng) vv…vv…

Theo gương, các hộ khác trong ấp cũng tích cực góp của, góp công hoàn thành việc đổ bê tông 4 tuyến trước Tết Nguyên đán vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Hồng - Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Điền cho biết, rút kinh nghiệm từ mô hình, cách làm của ấp Thanh Thuận, Đảng uỷ và Ban Chỉ đạo xây dựng MTM của xã tổ chức nhân rộng ra các ấp khác trong toàn xã.

Đến nay Thanh Điền đã hoàn thành 13 tuyến GTNT bằng nguồn kinh phí “Nhà nước và nhân dân cùng làm” như trên. Trong năm 2014 xã tiếp tục vận động sức dân để hoàn chỉnh tiếp 34 tuyến GTNT trên địa bàn. Đây cũng là mục tiêu phấn đấu để Thanh Điền đạt chuẩn xã NTM vào cuối năm 2014.

Tại huyện Dương Minh Châu, việc xây dựng đường GTNT ở xã Bến Củi cũng được thực hiện bằng phương cách tương tự. Mức đóng góp của người dân được công khai cụ thể. Hằng tháng mỗi hộ gia đình tự nguyện trích thu nhập góp vào quỹ làm đường.

Mức đóng góp tuỳ vào từng tuyến đường, có ấp- người dân đóng góp 1,8 triệu đồng/năm nhưng cũng có người ủng hộ 4,4 triệu đồng/năm. Ở ấp 3 có 500 hộ dân đóng góp được 350 triệu đồng; trong năm 2014 các hộ đăng ký đóng góp tiếp 520 triệu đồng cho đủ kinh phí để rải sỏi đỏ các tuyến đường trong ấp.

Ông Đào Duy Thoạ, Bí thư Chi bộ ấp 3 nhận định, khi lòng dân đồng thuận - xuất phát từ chỗ mọi người đều thấu hiểu mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM là đem lại lợi ích trực tiếp cho mình, thì việc tổ chức thực hiện sẽ trở nên dễ dàng.

Điều quan trọng tiếp theo là phải biết phát huy sức mạnh tập thể và quyền làm chủ của từng người trong bàn bạc, quyết định các vấn đề có liên quan đến nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi cá nhân, hộ gia đình.

Phải vào cuộc quyết liệt

Xã Thạnh Đông là một trong 2 xã của huyện Tân Châu được chọn làm mẫu xây dựng NTM của tỉnh. Bước đầu, việc triển khai thực hiện chương trình ở xã không phải dễ dàng. Trong gần 3 năm đầu vận động làm đường GTNT, Thạnh Đông đã không đạt kế hoạch đề ra.

Tình hình chỉ thay đổi khi cuộc vận động được tiến hành một cách quyết liệt, cả hệ thống chính trị cùng bắt tay vào cuộc, từng cán bộ, đảng viên vừa làm công tác tuyên truyền, vừa tự nêu gương bằng những việc làm cụ thể cho dân noi theo.

Kết quả trong năm 2013, toàn xã đã huy động được gần 700 triệu đồng cùng hàng ngàn ngày công và cả tài sản đất đai của người dân tự nguyện đóng góp cho việc xây dựng GTNT. Ông Nguyễn Văn Hữu (còn gọi Sáu Hữu) là một nông dân đã tự nguyện hiến 41.000m3 đất san lấp làm đường tại các xã trong huyện.

Doanh nghiệp tư nhân Trường Hưng đóng trên địa bàn xã Thạnh Đông cũng đã ủng hộ 5 tỷ đồng để huyện điều tiết kinh phí thực hiện việc xây dựng GTNT cho các xã.

Cùng địa bàn huyện Tân Châu, xã Tân Hưng lại chọn phương án chia phần đóng góp cho các hộ dân có đất dọc theo 2 bên tuyến đường được nâng cấp. Trên tuyến đường số 14 ấp Tân Đông, người dân đóng góp 160.000 đồng/m ngang đất của mình.

Còn trên tuyến đường số 3 ấp Tân Tây, người dân chỉ phải đóng 70.000 đồng/m. Ông Lê Minh Luyến - Phó Ban giám sát thi công đường số 14 cho biết: người dân dọc tuyến đường số 14 có nêu thắc mắc về mức đóng góp cao hơn bên đường số 3 và được cán bộ xã trả lời: đường số 3 là đường liên xã nên có ngân sách tỉnh hỗ trợ, còn đường số 14 chỉ là đường liên ấp, do ngân sách huyện hỗ trợ với mức kinh phí ít hơn, do đó người dân phải đóng thêm vào nhiều hơn!

Một tuyến đường do người dân đóng góp nâng cấp tại ấp Cẩm Thắng, xã Cẩm Giang.

 

Xã Cẩm Giang thuộc huyện Gò Dầu tuy không phải đơn vị điểm xây dựng NTM nhưng từ năm 2013 phong trào làm đường GTNT ở đây khá sôi động. Xã đã chọn phương án thực hiện bằng cách từng ấp họp dân để bàn bạc, quyết định hình thức và mức đóng góp của từng hộ gia đình, đồng thời chọn làm tuyến đường nào trước, tuyến nào sau.

Trên cơ sở đồng tình, nhất trí, chỉ sau một thời gian ngắn vận động, người dân đã đồng lòng bỏ công sức, tiền của để nâng cấp 4 tuyến đường GTNT và hai tuyến đường quanh chợ Cẩm Giang. Tổng kinh phí đầu tư là gần 435 triệu đồng, trong đó ngân sách xã hỗ trợ 166 triệu đồng từ nguồn kinh phí tiết kiệm được, phần còn lại đều do dân đóng góp.

Không ngồi chờ Nhà nước...…

 Ở huyện Bến Cầu, đời sống của người dân tại khu vực tổ dân cư số 29, 30 và 31 thuộc ấp Voi, xã An Thạnh còn hết sức khó khăn. Mặc dù vậy, từ 3 năm nay, 80 hộ dân nơi đây cũng đã tự nguyện bỏ tiền túi ra, mỗi hộ 200.000 đồng/năm để mua đất, đá bồi đắp con đường vốn rất lầy lội, khó đi.

Do kinh phí còn quá ít ỏi nên tình trạng con đường vẫn chưa được cải thiện mấy. Địa phương cũng đã đầu tư xây một cây cầu bê tông bắc qua rạch trên con đường này. Tuy đã có cầu nhưng đường vẫn chưa làm xong nên cầu chưa phát huy được tác dụng.

Ông Lê Văn Lóng, tổ trưởng tổ dân cư bày tỏ mong muốn: nếu Nhà nước hỗ trợ kinh phí làm đường, bà con nơi đây sẵn sàng đóng góp thêm, kể cả hiến đất để mở rộng con đường.

Phía bên kia cầu Tà Bang cũng ở khu vực trên, khi được địa phương vận động, ông Nguyễn Văn Hải- một đảng viên, hội viên Hội Cựu chiến binh đã bỏ ra hơn 2 tỷ đồng nâng cấp, thảm dầu tuyến đường GTNT dài hơn 2.000 mét dẫn vào trang trại của ông và cũng là đường GTNT phục vụ chung cho người dân trong khu vực.

Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu) phát động phong trào “Mỗi tổ chức đoàn thể chịu trách nhiệm vận động nhân dân đóng góp để nâng cấp một tuyến đường GTNT”.

Bước đầu triển khai, phong trào cũng vấp phải không ít khó khăn, nhưng khi người dân đã thông về mặt tư tưởng, tình hình đã chuyển biến tốt. Có những người tích cực, đi đầu trong việc vận động và ủng hộ công sức, vật chất để làm đường GTNT như các ông Võ Văn Ten, Võ Văn Tắc, Út Đở…

Phong trào đem lại kết quả thiết thực- nhiều tuyến đường được nâng cấp khiến cho việc đi lại trở nên dễ dàng, thuận tiện, người dân rất phấn khởi.

Mỗi địa phương có cách làm riêng trong quá trình xây dựng NTM nói chung, làm đường GTNT nói riêng, nhưng tựu trung vẫn giống nhau ở chỗ: một khi lòng dân đã thuận thì việc gì cũng trở nên thuận lợi.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy có một điều hơi băn khoăn: hình như các địa phương phần lớn đều chọn những địa chỉ dễ “kêu gọi” để vận động; mấy năm qua hầu như đã vận động khắp lượt các doanh nghiệp và các hộ gia đình khá giả trên địa bàn.

Như thế, việc huy động đóng góp xây dựng các tuyến đường GTNT tiếp theo trong thời gian tới ắt khó tránh sa vào… chỗ “bí”.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây