Xây dựng nông thôn mới: Đạt chuẩn- không phải là kết thúc

Thứ năm - 19/06/2014 00:00 74 0
Từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến nay, bộ mặt nông thôn Tây Ninh đã có nhiều thay đổi rõ nét. Nhiều nơi đường làng, ngõ xóm được nâng cấp phẳng phiu, sạch đẹp; những ngôi trường đạt chuẩn quốc gia còn thơm mùi ngói mới xuất hiện bên những ngôi nhà đã thoát cảnh tạm bợ, dột nát; đời sống người dân từng bước được nâng lên.

Đoàn kiểm tra làm việc tại thành phố Tây Ninh.

Bộ mặt nông thôn mới đã hình thành, cho thấy hiệu quả của một chương trình đúng đắn hợp lòng dân, có tác dụng thu hút nhân dân và các tổ chức cùng hưởng ứng, tham gia. Tuy nhiên, đợt khảo sát 9 xã trọng điểm mới đây của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới của tỉnh cũng cho thấy những rắc rối, phức tạp khiến nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới khó thực hiện.

Khoảng cách giữa báo cáo và thực tế

Tính đến 6 tháng đầu năm 2014, xã Bến Củi (huyện Dương Minh Châu) đã hoàn thành được 16/19 tiêu chí- đạt cao nhất trong 9 xã điểm xây dựng nông thôn mới. Đạt thấp nhất là 3 xã Thanh Điền (Châu Thành), Thạnh Đông (Tân Châu) và An Tịnh (Trảng Bàng)- chỉ mới thực hiện được 11/19 tiêu chí.

Trong số các xã còn lại, Long Thành Trung (Hoà Thành) đạt 15/19 tiêu chí, Phước Trạch (Gò Dầu) đạt 15/19; xã Bình Minh (thành phố Tây Ninh) đạt 14/19, Thạnh Bình (Tân Biên) đạt 13/19 và xã Long Khánh (Bến Cầu) đạt 12/19. Điều đáng chú ý là ngoài những tiêu chí cần nguồn kinh phí lớn để thực hiện như xây dựng trường học, cơ sở vật chất văn hoá, giao thông... một số tiêu chí khác dù không đòi hỏi vốn đầu tư nhiều nhưng muốn đạt chuẩn cũng không dễ dàng gì.

Ngay như tiêu chí 1 (quy hoạch và thực hiện quy hoạch) có 3 chỉ tiêu: quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội, môi trường theo chuẩn mới; quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn bản sắc văn hoá tốt đẹp.

Trong đợt kiểm tra, tất cả 9 xã điểm đều báo cáo đạt tiêu chí này. Trong khi đó, theo hướng dẫn của Sở Xây dựng- đơn vị được phân công đánh giá, công nhận tiêu chí 1 thì muốn đạt tiêu chí này phải triển khai thực hiện đủ 3 yêu cầu của tiêu chí theo Thông tư số 41/2013/TT-BNNPTNT.

Cụ thể là: có quy hoạch nông thôn mới được lập theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT ngày 26.10.2011 của liên Bộ Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới, được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được công bố rộng rãi đến tận các ấp; các bản vẽ quy hoạch được niêm yết công khai để người dân biết và thực hiện; hoàn thành việc cắm mốc chỉ giới các công trình hạ tầng theo quy hoạch được duyệt; có quy chế quản lý quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối chiếu theo hướng dẫn này, thì cả 9 xã điểm chỉ mới thực hiện được phần việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch, còn việc cắm mốc chỉ giới, quy chế quản lý quy hoạch chưa xã nào thực hiện được.

Những tiêu chí không dễ đạt

Kênh nội đồng được bê tông hoá tại xã Thanh Điền.

 

Chỉ tiêu 14.3 của tiêu chí 14 (Giáo dục) có quy định về “tỷ lệ lao động qua đào tạo”, đây là cả một bài toán khó cho địa phương. Trong đợt kiểm tra vừa qua, lãnh đạo các xã điểm đều có chung nhận định là khó mà thực hiện theo đúng hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), mặc dù thời gian bồi dưỡng ngắn hạn cho tất cả các nghề chỉ là 6 ngày (5 ngày lý thuyết và 1 ngày kiểm tra kỹ năng nghề) để được cấp chứng chỉ nghề.

Bởi lẽ trong hướng dẫn có nêu rõ: các cơ sở dạy nghề phải tự biên soạn, ban hành (nội dung dạy nghề) và báo cáo về Sở trước khi giảng dạy. Bên cạnh đó, các cơ sở nghề được tham gia bồi dưỡng nghề khi có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề hoặc thông báo đầy đủ điều kiện tham gia dạy nghề do Sở LĐ-TB&XH cấp.

Thực tế không đơn giản như vậy, lắm khi tại các địa phương có những nghề không hề có trong danh mục nghề và với những nghề gia truyền như mộc, hớt tóc, kim hoàn... có cơ sở nào dạy và cấp chứng chỉ nghề? Ở những nơi có khu công nghiệp, không ít người dân địa phương làm công nhân trong các doanh nghiệp nhưng cũng đâu có cơ sở nào cấp chứng chỉ nghề cho họ; chỉ có doanh nghiệp tổ chức đào tạo, kiểm tra và nhận người vào làm và họ hoàn toàn không cấp chứng chỉ nghề (e rằng nếu có chứng chỉ nghề, công nhân sẽ có cơ sở để so đo tính toán nên làm ở doanh nghiệp này hay nhảy qua chỗ khác).

Vì thế, những địa phương có đông người làm công nhân ở khu công nghiệp nhưng vẫn chưa đạt được tiêu chí trên, chẳng hạn như các xã Phước Trạch, Thanh Điền, Long Thành Trung… Qua kiểm tra, có ý kiến đề xuất, đối với các công nhân đang làm việc trong khu công nghiệp, nếu doanh nghiệp sử dụng lao động không đồng ý cấp chứng chỉ nghề, thì địa phương có thể dùng văn bản hợp đồng lao động ký kết giữa doanh nghiệp và công nhân để làm cơ sở cho việc chứng nhận nghề.

Bởi lẽ trước khi chính thức được nhận vào làm việc, công nhân phải trải qua thời gian học nghề, được kiểm tra và trong từng thời gian quy định, công nhân đều phải qua sát hạch do doanh nghiệp tổ chức để nâng bậc, nâng lương. Đối với các nghề truyền thống hoặc nghề không có trong danh mục nghề, nên chăng, có thể xem giấy phép đăng ký kinh doanh là cơ sở để chứng nhận nghề? Bởi lẽ nếu không có tay nghề thì làm sao có thể hành nghề?

Một vấn đề nóng khác được bàn bạc nhiều trong đợt kiểm tra vừa qua đó là quy định trong chỉ tiêu 17.1 (tiêu chí 17 - môi trường): địa phương phải đạt tỷ lệ 90% hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia.

Tất cả 9 xã điểm xây dựng thôn mới đều ghi đạt phần này, nhưng đối chiếu theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thì… chưa có xã nào đạt. Bởi phần lớn các hộ nông thôn Tây Ninh hiện nay dùng nước giếng khoan, mà nước giếng khoan thì chỉ là nước hợp vệ sinh, chưa phải là nước sạch. Theo quy định, nước sạch là nước đáp ứng các chỉ tiêu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại Thông tư số 05/2009/TT-BYT ngày 17.6.2009.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đạt trên 94%, nghĩa là cao hơn so với quy định (90%) nhưng tỷ lệ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia chỉ mới đạt 6% (yêu cầu phải là 50%).

Nhiều giải pháp được đưa ra bàn bạc: nếu hộ dân nào có điều kiện nên sử dụng nước từ các trạm cấp nước tập trung, hộ nào không có điều kiện sử dụng nước từ các trạm; hiện đang sử dụng nước từ giếng khoan, giếng đào nên sử dụng nước đun sôi hoặc nước bình để phục vụ ăn uống, sinh hoạt. Ngoài ra, cần trang bị hệ thống lọc nước; nếu thiếu vốn, có thể vay vốn từ ngân hàng chính sách huyện, thành phố.

Công nhân chế biến hạt điều tại Châu Thành.

 

Vấn đề bảo hiểm y tế (BHYT) theo chỉ tiêu 15.a (tiêu chí 15- Y tế) cũng là chuyện nan giải của nhiều địa phương. Sở Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể về tỷ lệ người dân tham gia BHYT là lấy số dân thường trú hay lấy cả thường trú và tạm trú? Nhưng dù tính cách nào đi nữa thì BHYT tại địa phương vẫn khó đạt theo quy định (70%).

Lý do là cho đến bây giờ, mặc dù được góp ý rất nhiều lần nhưng thái độ phục vụ người có BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh vẫn chưa thay đổi, trong khi thủ tục cấp thẻ BHYT mất quá nhiều thời gian. Đây là trở ngại không nhỏ cho việc vận động người dân tham gia BHYT tự nguyện,  như vậy làm sao khuyến khích người dân mua BHYT khi các vị “từ mẫu” luôn mang bộ mặt lạnh lùng khi khám, chữa bệnh BHYT, “hà tiện” từng lời ăn, tiếng nói, thuốc BHYT được cấp thường chỉ là loại thông thường, ống nước truyền dịch thì người nhà bệnh nhân BHYT còn phải ra bên ngoài mua vv…vv…

Kịp không ?

Những hạn chế, trở ngại nêu trên không phải là không thể khắc phục, nhưng muốn vượt qua chắc chắn không dễ dàng. Để 9 xã điểm đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2014, trong những tháng còn lại của năm, ngoài sự nỗ lực của chính quyền, nhân dân địa phương, nhất thiết phải có sự giúp sức thật tích cực, thiết thực, hiệu quả của các ngành chức năng.

Chưa thể nói trước mục tiêu ấy có hoàn thành (một cách đúng thực chất) kịp không. Mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Vì thế, không phải cứ đạt chuẩn là kết thúc, mà tất cả chỉ mới bắt đầu. Khi đã đạt chuẩn, các xã còn phải tiếp tục nỗ lực để giữ vững và phát triển các tiêu chí “lên tầm cao mới”, như thế mới thực sự góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội nông thôn tỉnh nhà.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây