Hội Phụ nữ các cấp bằng nhiều hình thức lưu động tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn - Ảnh: HM |
Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” được Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động từ tháng 9/2009 với những nội dung: Không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ đã được các cấp hội phụ nữ trong tỉnh cụ thể hoá thành những hoạt động thiết thực. Nhờ đó, vai trò của phụ nữ trong gia đình ngày càng được phát huy, góp phần tích cực vào chương trình xây dựng NTM.
Với hình thức tuyên truyền, vận động phong phú, các cấp hội đi sâu phổ biến cho chị em các nội dung về “5 không, 3 sạch”, truyền thống gia đình Việt Nam, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản pháp luật liên quan đến phụ nữ và trẻ em, kiến thức nuôi dạy con, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Các cấp Hội còn chủ động phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông, tư vấn, hoà giải về hôn nhân - gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc cho đội ngũ cán bộ hội; tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, giao lưu, nói chuyện chuyên đề, gắn với đặc điểm, tình hình, điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị.
Thông qua các hoạt động, nhận thức của cán bộ Hội trong lồng ghép thực hiện nhiệm vụ công tác Hội, cũng như trong tham gia xây dựng NTM đã có những chuyển biến tích cực. Từ phong trào nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao đã xuất hiện như: mô hình “Câu lạc bộ Phụ nữ 5 không, 3 sạch”, “Câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3”, “Tổ phụ nữ gom rác thải”, mô hình “Nhà sạch vườn đẹp”…Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt giai đoạn 2010 - 2015” đã hỗ trợ trên 6 triệu bà mẹ, gần 1,5 triệu ông bố, các kiến thức, kỹ năng cần thiết trong nuôi dạy con…Đặc biệt, các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” được các cấp Hội thực hiện có hiệu quả. Các cấp Hội đã vận động hội viên, phụ nữ đóng góp tiết kiệm mỗi người ít nhất 5.000 đồng/tháng để tạo nguồn quỹ tại chỗ giúp nhau phát triển kinh tế; tổ chức vận động, quyên góp xây dựng nhà tình thương cho phụ nữ nghèo và phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tặng học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó học giỏi…; tích cực tham gia vận động hội viên phụ nữ chuyển đổi hình thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại các địa phương, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, các cấp Hội đã xây dựng được trên 400 mô hình kinh tế tập thể với sự tham gia của trên 12.000 hộ gia đình; đối tượng chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo…
Mặt khác, việc “đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” được quan tâm, các cấp Hội đã phối hợp với các cơ sở dạy nghề tại địa phương mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nữ nông thôn, tăng cường tổ chức đào tạo nghề lưu động cho phụ nữ... Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2013, Hội Phụ nữ các cấp đã tổ chức tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm cho gần 81.000, đã có hơn 30.800 hội viên phụ nữ có việc làm...
Các cấp Hội cũng chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức Hội cơ sở, góp phần thực hiện tiêu chí số 18 về hệ thống tổ chức chính trị - xã hội. Lãnh đạo chủ chốt các cấp Hội đã phát huy tốt vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng NTM từng cấp, thường xuyên đóng góp ý kiến trong quá trình tổ chức thực hiện, chú trọng phát triển, đề xuất với Ban Chỉ đạo những nội dung hoạt động, chính sách liên quan đến phụ nữ.
Có thể nói, sự vào cuộc tích cực, năng động, sáng tạo của các cấp Hội Phụ nữ trong thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và nhân dân về tư duy phát triển kinh tế, về ý thức, vai trò, trách nhiệm, phát huy nội lực của cộng đồng trong tham gia xây dựng NTM. Thông qua việc làm này, chất lượng tổ chức hội cũng được nâng lên, hội viên thêm tin tưởng, gắn bó với tổ chức hội.
Theo dangcongsan.vn