Tây Ninh xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố

Thứ hai - 22/08/2022 17:00 237 0
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của các bộ, tỉnh năm 2021. Xếp hạng DTI năm 2021 cấp tỉnh, Tây Ninh đứng vị trí 44 với 0,3426 điểm, tăng 2 bậc so với năm 2020 (xếp thứ 46 với 0,2686 điểm).


Chuyển đổi số hướng đến người dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp

Trong đó, xếp hạng chỉ số chính, các chỉ số về an toàn thông tin mạng, thể chế số và nhận thức số ở mức khá tốt. Trong khi đó, các chỉ số về nhân lực số, nhóm chỉ số hoạt động của chính quyền số, kinh tế số và xã hội số còn rất thấp.

Đối với xếp hạng theo 3 trụ cột, tỉnh đã cải thiện được về điểm số của cả 3 trụ cột, cũng như cải thiện tốt thứ hạng về kinh tế số, xã hội số. Đặc biệt, điểm số chính quyền số vẫn cao nhất thể hiện việc thừa hưởng các kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trong những năm qua.

Tuy nhiên, 3 trụ cột của DTI 2021 cấp tỉnh đều có giá trị dưới mức 0,5, điều đó cho thấy năm 2022 cần tiếp tục đẩy mạnh cả 3 trụ cột chuyển đổi số, đặc biệt là Xã hội số.

Trong năm 2022, để cải thiện chỉ số DTI, tỉnh tập trung giải pháp trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.


Đối với chính quyền số, tỉnh tăng cường cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội; huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế-xã hội; cơ quan Nhà nước thiết kế mô hình tổ chức, cách thức vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, tạo ra môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, kết nối và hợp tác với nhau dễ dàng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn,...

Về kinh tế số, tỉnh xây dựng và triển khai các văn bản định hướng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp và tổ chức kinh tế của tỉnh. Tổ chức, nhân sự và mạng lưới doanh nghiệp kinh tế số. Bố trí ngân sách cho phát triển kinh tế số. Xây dựng, số hoá các hạng mục dữ liệu; mức độ khai thác, sử dụng dữ liệu của doanh nghiệp; nâng cao mức độ thuận tiện, hiệu quả của dữ liệu do cơ quan nhà nước cung cấp.

Xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án phát triển doanh nghiệp công nghệ số; ban hành các chính sách thúc đẩy hoạt động kinh doanh số, thương mại điện tử; triển khai công nghệ nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh ưu tiên chuyển đổi số như y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, nông nghiệp… Xây dựng giải pháp hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số và kinh doanh số; đào tạo kỹ năng về kinh tế số cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.


Về xã hội số, tỉnh xây dựng và triển khai các văn bản định hướng về phát triển xã hội số ở cấp tỉnh và ở từng địa phương. Bố trí ngân sách cho phát triển xã hội số. Xây dựng, số hoá các hạng mục dữ liệu; mức độ khai thác, sử dụng dữ liệu cho người dân; nâng cao mức độ thuận tiện, hiệu quả của dữ liệu do cơ quan nhà nước cung cấp cho người dân.

Hướng dẫn, tập huấn, phổ biến kiến thức về bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng; kiến thức về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Xây dựng giải pháp hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số và kinh doanh số; đào tạo kỹ năng về kinh tế số cho người dân trên địa bàn tỉnh.


Theo baotayninh.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây