Sản xuất tại một công ty dệt.
Ngày 30.6.2016, UBND tỉnh có Quyết định số 1732/QĐ-UBND ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35 ngày 16.5.2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Mục tiêu của Chương trình là đến năm 2020 xây dựng doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, góp phần cùng cả nước hoàn thành các mục tiêu tại Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 4.500 doanh nghiệp hoạt động, trong đó nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh; khu vực tư nhân đóng góp khoảng 62% GRDP, khoảng 57% tổng vốn đầu tư xã hội của toàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh, qua một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan hành chính trong giải quyết các thủ tục đầu tư liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân.
Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh như đào tạo, tư vấn, thông tin thị trường… Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển- nhất là trong việc thực hiện các dự án; thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp lớn, có hiệu quả và sức cạnh tranh cao.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn tổ chức đối thoại công khai theo định kỳ với cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn; chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiêm túc thực hiện quy định về đất đai, xây dựng, môi trường, đăng ký kinh doanh, đầu tư và các thủ tục hành chính liên quan tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong lộ trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá từng ngành, tạo nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong đơn giản hoá thủ tục hành chính, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trên hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, thực hiện rút ngắn thời gian đăng ký thay đổi của doanh nghiệp từ 3 ngày làm việc xuống còn 1 ngày làm việc; giải quyết đúng thời hạn 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân hoạt động sản xuất kinh doanh.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập qua mạng điện tử tăng- năm 2015 chỉ có 4 hồ sơ, năm 2016 tiếp nhận và xử lý 30 hồ sơ.
Về cải cách hành chính thuế, ngành Thuế công khai đầy đủ quy trình, thủ tục tại cơ quan Thuế các cấp, trên mạng internet; công khai thông tin đăng ký thuế của người nộp thuế trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, giúp người nộp thuế biết và thực hiện đúng quy định; tạo sự minh bạch rõ ràng trong việc thực hiện đăng ký thuế.
Phấn đấu đến cuối năm 2017, có 95% số hồ sơ hoàn thuế được tiếp nhận và trả kết quả bằng phương thức điện tử, bảo đảm ít nhất 95% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời hạn theo quy định.
Trong năm 2017, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trong điều chỉnh quy định về an ninh, an toàn xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động theo những quyền kinh doanh đã được pháp luật quy định; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm pháp luật như buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật về môi trường… bảo đảm sự bình đẳng, tạo môi trường lành mạnh, an toàn để doanh nghiệp kinh doanh theo đúng luật pháp.
Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả hệ thống thông quan điện tử tập trung VNACCS/VCIS; áp dụng các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan tạo thông thoáng cho việc xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh của doanh nghiệp nhanh chóng, tiện lợi.
Đồng thời, tỉnh sẽ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và đạo đức cán bộ, công chức ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu công việc, yêu cầu đổi mới và hội nhập.
Theo Báo Tây Ninh Online