Dự án nông nghiệp mời gọi đầu tư giai đoạn 2016-2020

Thứ năm - 10/08/2017 09:00 94 0
1. Dự án chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp công nghệ cao

- Mục tiêu: Sơ chế, chế biến rau quả theo tiêu chuẩn HACCP; chế biến các sản phẩm từ mãng cầu; chế biến và bảo quản các sản phẩm từ cây dược liệu.

- Địa điểm: Các huyện và thành phố Tây Ninh.

- Quy mô: Tùy từng loại sản phẩm, nhà đầu tư quyết định quy mô phù hợp nhưng phải đảm bảo diện tích vùng nhiên liệu trồng cây dược liệu từ 20 ha trở lên; diện tích trồng rau, quả từ 10 ha trở lên phải sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP; đối với mục tiêu chế biến các sản phẩm từ mãng cầu: tùy từng loại sản phẩm mà nhà đầu tư quyết định quy mô phù hợp. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải có trang thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

- Tiềm năng: Tây Ninh hiện có 20.000 ha rau quả các loại, 4.000 ha mãng cầu và trên 350.000 con gia súc nhu cầu chế biến bảo quản tiêu thụ rất lớn.

2. Nhà máy giết mổ gia súc gia cầm tạo ra sản phẩm thịt block, đông lạnh với dây chuyền khép kín, thiết bị hiện đại, đảm bảo môi trường và an toàn thực phẩm

- Mục tiêu: Tạo ra các sản phẩm thịt sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

- Địa điểm: Các huyện Châu Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng.

- Quy mô: Nhà đầu tư quyết định quy mô phù hợp, nhưng dây chuyền phải khép kín, thiết bị hiện đại và bảo đảm về môi trường.

- Tiềm năng: Tây Ninh hiện có trên 500.000 con gia súc, 6 triệu gia cầm, nhu cầu chế biến bảo quản tiêu thụ rất lớn.

3. Dự án chăn nuôi bò thịt tập trung, đạt tiêu chuẩn VietGAP

- Mục tiêu: Phát triển chăn nuôi bò có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, hình thành các vùng chăn nuôi trang trại tập trung với quy mô hợp lý, đối với các loại vật nuôi có lợi thế của tỉnh, từng bước xây dựng mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng.

- Địa điểm: Các huyện và thành phố Tây Ninh.

- Quy mô: Từ 1.000 con bò thịt trở lên.

- Tiềm năng: Hồ Dầu Tiếng cùng với hệ thống kênh mương rất thuận lợi cho chăn nuôi gia súc tập trung, có đàn bò cái nền chất lượng tốt, phần lớn có thể phối giống để lai tạo đàn bò theo hướng thịt; đất đai, đồng cỏ chăn thả rộng, nguồn thức ăn xanh và phụ phẩm nông nghiệp dồi dào (khoảng 750.000 tấn rơm rạ, 100.000 tấn ngọn mía, 11.000 tấn bánh dầu đậu phộng, 23.000 tấn dây đậu phộng, 285.000 tấn bã khoai mì, 30.000 tấn thân cây bắp).

4. Dự án đầu tư trồng các loại rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP trở lên

- Mục tiêu: Tăng nhanh sản lượng, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của người tiêu dùng, góp phần nâng cao thu nhập trên 01 đơn vị diện tích.

- Địa điểm: Các huyện và thành phố Tây Ninh.

- Quy mô: Diện tích từ 5 ha trở lên.

- Tiềm năng: Địa hình đất đai bằng phẳng, điều kiện tự nhiên, khí hậu thổ nhưỡng, hạ tầng cơ sở thuận lợi; Tây Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiếp giáp với thị trường Thành phố Hồ chí Minh và thị trường Campuchia nhu cầu thị trường ngày càng lớn, chất lượng cao.

5. Dự án sản xuất, ứng dụng các sản phẩm sinh học, các loại nấm ăn, dược liệu, vacxin các loại chế phẩm phòng trừ dịch hại cây trồng, vật nuôi, kiểm soát ATTP

- Mục tiêu: Phát triển sản xuất, ứng dụng các sản phẩm sinh học, các loại nấm ăn, dược liệu, vắcxin các loại chế phẩm phòng trừ dịch hại cây trồng, vật nuôi, kiểm soát ATTP phục vụ tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu sản xuất trong tỉnh và khu vực.

- Địa điểm: Các huyện và thành phố Tây Ninh.

- Quy mô: Tùy vào từng loại sản phẩm nhà đầu tư quyết định quy mô phù hợp, nhưng ưu tiên: Công nghệ nhân giống có truyền thống cải tiến (nuôi cấy mô hom, vi ghép…); Công nghệ nuôi nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào thực vật (tissue culture, anther culture); Sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu; Chọn tạo giống mới bằng gây đột biến gen (sử dụng kỹ thuật phóng xạ hạt nhân, hóa chất…); Công nghệ lai tạo giống có ứng dụng các kỹ thuật sinh học phân tử.

6. Dự án Trồng chuối, thơm, bưởi, xoài, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, Organic hoặc làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu

- Mục tiêu: Cung cấp sản phẩm xuất khẩu và nguyên liệu chế biến xuất khẩu.

- Địa điểm: Các huyện, thành phố Tây Ninh.

- Quy mô: Diện tích từ 20 ha trở lên.

- Tiềm năng: Chuyển đổi vùng sản xuất khoai mì, cao su với quy mô lớn, chuyên canh; Đất đai khí hậu rất thích hợp cho các cây trồng có giá trị cao phục vụ xuất khẩu.

 7. Dự án trồng rau quả an toàn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và Organic

- Mục tiêu: Trồng rau quả an toàn theo tiêu chuẩn GlobalGAP, Organic.

- Địa điểm: Các huyện và thành phố Tây Ninh.

- Quy mô: Diện tích từ 10 ha trở lên.

- Tiềm năng: Tây Ninh có nhiều vùng đất đai, tưới tiêu, nông dân có kinh nghiệm sản xuất có thể thích nghi nhiều loại rau quả nhiệt đới, rau gia vị, rau dược liệu đáp ứng nhu cầu thị trường rau chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.

 8. Dự án trồng mía nguyên liệu, đạt tiêu chuẩn Organic

- Mục tiêu: Sản xuất mía nguyên liệu sạch, cung cấp cho các nhà máy chế biến đường và các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Organic.

- Địa điểm: Các huyện Châu Thành, Tân Châu, Tân Biên, Dương Minh Châu và Bến Cầu.

- Quy mô: Diện tích từ 50 ha trở lên.

- Tiềm năng: Địa hình thuận lợi, nông dân có kinh nghiệm, một số hộ có quy mô diện tích lớn có kinh nghiệm sản xuất mía nguyên liệu; Các nhà máy đã được giao đất có thể dành quỹ đất thích hợp để xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng Organic.

9. Dự án trồng mãng cầu đạt tiêu chuẩn VietGAP

- Mục tiêu: Cung cấp trái cho người tiêu dùng đảm bảo an toàn thực phẩm và cho cơ sở chế biến sản phẩm sạch để sản xuất bánh kẹo, mứt mãng cầu, nước ép từ trái mãng cầu đảm bảo an toàn.

- Địa điểm: Thành phố Tây Ninh, huyện Tân Châu và Dương Minh Châu.

- Quy mô: Diện tích từ 20 ha trở lên.

- Tiềm năng: Có vùng sản xuất tập trung, cung cấp sản phẩm quanh năm cho thị trường, với diện tích 4.115 ha. Mãng cầu Bà Đen có mặt hầu hết trên tất cả các thị trường trong nước và còn được xuất khẩu.

 

10. Dự án trồng cây dược liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP

- Mục tiêu: Sản xuất, chế biến và bảo quản các sản phẩm từ cây dược liệu.

- Địa điểm: Nhà máy chế biến tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Vùng sản xuất trên địa bàn các huyện: Tân Châu, Tân Biên, Dương Minh Châu, Châu Thành, Bến Cầu.

- Quy mô: Diện tích từ 20 ha trở lên.

- Tiềm năng: Địa điểm đầu tư có địa hình bằng phẳng, nguồn nước ổn định, các yếu tố địa lý khí hậu phù hợp với điều kiện trồng cây dược liệu, đáp ứng đủ nguyên liệu cho chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu.

 

11. Dự án sản xuất lúa giống cấp nguyên chủng

- Mục tiêu: Sản xuất các giống lúa cấp nguyên chủng phù hợp điều kiện sinh thái tỉnh Tây Ninh, cung ứng cho mạng lưới nhân giống lúa cấp xác nhận trong và ngoài tỉnh.

- Địa điểm: Các huyện và thành phố Tây Ninh.

- Quy mô: Diện tích theo tiêu chí cánh đồng lớn.

- Tiềm năng: Nhu cầu lúa giống cấp xác nhận của tỉnh Tây Ninh vào khoảng 12.000 - 14.000 tấn/năm, tương ứng diện tích lúa cấp xác nhận cần phải sản xuất 2.400 - 2.800 ha với lượng giống cấp nguyên chủng cần 150 - 200 tấn. Đất lúa của tỉnh Tây Ninh đa dạng, canh tác được cả 3 vụ, diện tích năm 2014 là 142.224 ha, định hướng đến năm 2020 là 125.000 ha.

12. Dự án chế biến các sản phẩm sau đường

- Mục tiêu: Sản xuất chế biến thực phẩm (bánh kẹo, rượu); Chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, chế biến cồn từ sản phẩm phụ của chế biến đường; Chế biến gỗ từ bã mía; Chế biến phân bón từ bã bùn.

- Địa điểm: Các huyện và thành phố Tây Ninh; Ưu tiên thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp được quy hoạch trên địa bàn tỉnh như: Tân Hội 1 và Thanh Xuân 1 (đã có nhà đầu tư hạ tầng), Ninh Điền (chưa có nhà đầu tư hạ tầng).

- Quy mô: Tùy vào từng loại sản phẩm nhà đầu tư quyết định quy mô phù hợp, nhưng trang thiết bị, công nghệ phải tiên tiến, công nghệ sản xuất hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

- Tiềm năng: Hiện tại có 3 nhà máy chế biến đường có tổng công suất 14.800 tấn mía cây/ngày. Các phụ phẩm sau đường như mật rỉ, bã mía, bã bùn rất dồi dào, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu để sản xuất tận dụng phụ phẩm. Theo quy hoạch đến năm 2020 sản lượng mía đạt 1,6 triệu tấn - 02 triệu tấn/năm, sản lượng mía cây (năm 2014 ) là 1.396.034 tấn.

 

13. Dự án chế biến các sản phẩm bánh, kẹo từ tinh bột biến tính (không chế biến các sản phẩm từ củ mì tươi)

- Mục tiêu: Chế biến các sản phẩm bánh, kẹo từ tinh bột biến tính (không chế biến các sản phẩm từ củ mì tươi).

- Địa điểm: Các huyện và thành phố Tây Ninh; Ưu tiên thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp được quy hoạch trên địa bàn tỉnh như: Tân Hội 1 và Thanh Xuân 1 (đã có nhà đầu tư hạ tầng), Ninh Điền (chưa có nhà đầu tư hạ tầng).

- Quy mô: Tùy vào từng loại sản phẩm nhà đầu tư quyết định quy mô phù hợp, nhưng công nghệ tiên tiến, trang thiết bị hiện đại và các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.

- Tiềm năng: Điều kiện tự nhiên phù hợp phát triển vùng nguyên liệu mì, sản lượng củ mì tươi 1,6 triệu tấn/năm 2014, sản lượng 1,1 triệu tấn bột/năm với gần 50 nhà máy chế biến tinh bộ mì, các phụ phẩm như bã mì, bã bùn từ nhà máy chế biến mì rất dồi dào.

 

14. Dự án chế biến các sản phẩm sau cao su như: găng tay y tế, nệm

- Mục tiêu: Chế biến các sản phẩm sau cao su như: găng tay y tế, nệm (không chế biến các sản phẩm từ mủ cao su).

- Địa điểm: Các huyện và thành phố Tây Ninh; ưu tiên thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp được quy hoạch trên địa bàn tỉnh như: Tân Hội 1 và Thanh Xuân 1 (đã có nhà đầu tư hạ tầng).

- Quy mô: Tùy vào từng loại sản phẩm nhà đầu tư quyết định quy mô phù hợp, nhưng công nghệ tiên tiến, trang thiết bị hiện đại và các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.

- Tiềm năng: Điều kiện tự nhiên phù hợp phát triển vùng nguyên liệu cao su, đến nay diện tích cao su ở Tây Ninh đã tăng lên hơn 70.000 ha (tăng khoảng 2 lần so với 5 năm trước đây). Diện tích, sản lượng mủ cao su tăng, tất yếu kéo theo công nghiệp chế biến cao su tăng. Năm 2010, tổng công suất chế biến cao su ở Tây Ninh đã đạt khoảng 100.000 tấn/năm (vượt tổng công suất kế hoạch gần 20.000 tấn/năm).

15. Dự án nuôi trồng và chế biến thủy sản

- Mục tiêu: Nuôi trồng thủy sản để cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu.

- Địa điểm: Các huyện và thành phố Tây Ninh.

- Quy mô: Đến năm 2015, tổng sản lượng đến năm 2020 đạt 69.890 tấn (trong đó nuôi trồng đạt 65.290 tấn, khai thác thuỷ sản đạt 4.600 tấn/năm, chủ yếu là cá) Trong đó, sản lượng cá tra sẽ rất lớn: đến năm 2015 đạt từ 15.000 đến 30.000 tấn;  đến năm 2020 đạt từ 25.000 đến 50.000 tấn.

- Tiềm năng: Theo quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Tây Ninh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Tây Ninh có 1.775 ha đất phù sa ven sông suối lớn; khoảng 29.000 ha diện tích ao hồ, mặt nước lớn; hơn 22.833 ha diện tích mặt nước sông, suối và hồ chứa là cơ sở phát triển nuôi thuỷ sản chuyên canh hoặc kết hợp sản xuất nông nghiệp; hơn 10.500 ha đất ngập lũ, đất trũng có thể tận dụng nuôi thủy sản trong mùa lũ.

16. Dự án chăn nuôi gà giống lấy trứng, gà thịt lông màu

- Mục tiêu: Sản xuất trứng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; gà thịt lông màu.

- Địa điểm: Các huyện và thành phố Tây Ninh.

- Quy mô: 500.000 - 1.000.000 trứng/ngày hoặc gà lông màu 800.000 - 1.000.000 con/năm, có hệ thống thu mua, bảo quản và chế biến thức ăn tự cung ứng cho đàn gà của dự án; có hệ thống xử lý phân gia cầm cho ra phân bón hữu cơ thương mại.

- Tiềm năng: Tỉnh Tây Ninh có đất đai thuận lợi cho việc xây dựng dự án phát triển chăn nuôi gà lấy trứng. Đến năm 2020, tổng nhu cầu tiêu thụ trứng gia cầm trong tỉnh Tây Ninh hơn 100 triệu quả/năm. Tuy nhiên, lợi thế chính cho việc phát triển chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm chính là hướng đến thị trường thành phố Hồ Chí Minh, được xác định là thị trường có sức tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi lớn nhất cả nước.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây