Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ II, nhiệm kỳ 1980 - 1981: Xây dựng công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng

Thứ sáu - 18/09/2015 12:00 394 0
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ II diễn ra từ ngày 26 đến ngày 30.12.1979. Tham dự có 257 đại biểu thay mặt cho 5.178 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá II gồm 43 uỷ viên chính thức và 2 uỷ viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Văn Tốt (Hai Bình) tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ, các đồng chí Ngô Văn Lực (Bảy Hải) và Đặng Văn Thượng được bầu làm Phó Bí thư.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ II.

Đại hội đã tập trung thảo luận đánh giá những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 1977 - 1979, nêu rõ: “Tây Ninh trong những năm qua có nhiều diễn biến phức tạp, vừa phải trực tiếp đấu tranh chống quân xâm lược ở biên giới và bọn phản động trong nội địa, vừa phải cải tạo và xây dựng nền kinh tế mới, chăm lo đời sống nhân dân trong tình hình chiến tranh ngày càng ác liệt và thời tiết lại rất khó khăn.

Đây là thời kỳ thử thách to lớn đối với Đảng bộ Tây Ninh, nhưng nhờ sự chỉ đạo, lãnh đạo chặt chẽ của Trung ương, quân dân Tây Ninh dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ đã phát huy truyền thống đoàn kết, tập trung sức phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ của Đảng giành được những kết quả to lớn”.

Trên cơ sở đánh giá nhiệm kỳ qua, Đại hội đã đề ra những nhiệm vụ cấp bách cho nhiệm kỳ 1980 - 1981, Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu 2 năm 1980 – 1981 của Đảng bộ Tây Ninh là: Ra sức phát huy ưu điểm và tận dụng những thế mạnh sẵn có của địa phương, nhanh chóng khắc phục những tồn tại, nhất là những biểu hiện tiêu cực trong nội bộ và ngoài xã hội, phát động phong trào làm chủ tập thể của quần chúng lao động với ý thức tự lực tự cường, quán triệt đường lối cải tạo và xây dựng trên các lĩnh vực hoạt động, tạo sự chuyển biến thật sự về tư tưởng và tổ chức, đẩy mạnh sản xuất.

Trong đó, trọng tâm là sản xuất nông nghiệp, trước mắt là lương thực – thực phẩm, hàng tiêu dùng và xuất khẩu bảo đảm cải thiện một bước đời sống của nhân dân, làm tròn nghĩa vụ với Trung ương. Đồng thời, phải thường xuyên nâng cao cảnh giác cách mạng, ra sức xây dựng lực lượng vũ trang, bán vũ trang và quốc phòng toàn dân sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu khi có chiến tranh xảy ra, chủ động đập tan mọi âm mưu của bọn phản động, giữ vững an ninh - trật tự xã hội, làm tròn nghĩa vụ quốc tế với tỉnh Kampong Cham; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể quần chúng nhằm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ cấp bách như sau: 

- Đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

- Ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân.

- Kiên quyết đấu tranh chống các mặt tiêu cực trong nội bộ và xã hội.

- Đẩy mạnh xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang, bán vũ trang, giữ gìn trật tự an ninh xã hội.

- Ra sức xây dựng củng cố tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, trọng tâm là cấp huyện, xã và các cơ sở kinh tế.

Kênh Tây đưa nước về các huyện Dương Minh Châu, Hoà Thành, Châu Thành, Tân Biên.

Cũng trong nhiệm kỳ 1980 – 1981, Tây Ninh khởi công xây dựng công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng vào ngày 29.4.1981 với diện tích rộng 27.000 ha, chứa 1,5 tỷ khối nước. Đến ngày 10.1.1985, chính thức đưa nước về đồng ruộng phục vụ tưới tiêu cho 58.000 ha đất trong toàn tỉnh.

Đoàn viên thanh niên đóng vai trò nòng cốt trong tổ chức thi công công trình, đã huy động hơn 454.261 lượt đoàn viên thanh niên tham gia, thực hiện 14.910.000 ngày công, đào đắp 11.681.000m3 đất, 53.977m2 bê tông và đá xây, hàng trăm đoàn viên thanh niên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, 1.450 kiện tướng lao động, 439 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng, 10.467 thanh niên được kết nạp Đoàn, 51.099 thanh niên trở thành hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Cũng từ đại công trình thuỷ lợi này, đã xuất hiện nhiều điển hình có năng suất cao, chất lượng tốt như: Hiệp Tân (Hoà Thành), Hảo Đước (Châu Thành), Cẩm Giang (Gò Dầu), Lộc Ninh (Dương Minh Châu), Tân Hưng (Tân Biên), Bình Minh (Thị xã). Hai huyện Châu Thành và Hoà Thành nhiều năm liền giữ lá cờ đầu trên công trường, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

* Bài viết sử dụng tư liệu do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cung cấp và Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930 - 2005).

 

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây