Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có đồng chí Võ Đức Trong - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Huỳnh Thanh Phương - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh.
Thực hiện Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 04/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 10 tỉnh, thành phố (gồm Bắc Kạn, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thái Bình, Thành phố Hồ Chí Minh và Tiền Giang) và có thêm hai tỉnh Yên Bái và Long An chủ động thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, trong đó có quy định: chấm dứt việc thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14.
Theo đánh giá của Chính phủ, việc hợp nhất 3 Văn phòng (Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh) còn mang tính cơ học, mới chỉ giảm đầu mối người đứng đầu (Chánh Văn phòng và người đứng đầu đơn vị thuộc Văn phòng), chưa giảm được nhiều cấp phó và công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng, do thời gian thí điểm hợp nhất ngắn nên Văn phòng chưa thể sắp xếp, điều động công chức lãnh đạo, quản lý cho phù hợp với vị trí việc làm và năng lực công tác để đảm bảo số lượng cấp phó tại các phòng, ban chuyên môn theo quy định.
Do đó, đa số các địa phương triển khai thực hiện thí điểm kiến nghị chỉ nên thực hiện hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng HĐND cấp tỉnh và giữ nguyên Văn phòng UBND cấp tỉnh.
Theo tờ trình của Văn phòng Quốc hội về dự thảo Nghị quyết, sẽ thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Về số lượng lãnh đạo Văn phòng, sẽ có Chánh Văn phòng và không quá 3 Phó Chánh Văn phòng. Về số lượng phòng, đưa ra hai phương án cho các địa phương lựa chọn. Về số lượng biên chế cụ thể của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND nằm trong tổng biên chế hành chính của địa phương, do địa phương quyết định trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị.
Dự thảo Nghị quyết dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, cùng thời điểm hiệu lực của Luật Tổ chức Quốc hội đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 để thuận tiện và kịp thời trong việc triển khai, tổ chức thực hiện. Theo tính toán, việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh trên phạm vi cả nước sẽ được hoàn thành trước ngày 01/7/2021.
Tại hội nghị, các đại biểu cùng thảo luận và đóng góp ý kiến, tập trung vào số lượng biên chế, số lượng lãnh đạo Văn phòng và số lượng các phòng thuộc Văn phòng; kinh phí hoạt động của Văn phòng…
Các ý kiến đóng góp tại hội nghị sẽ được tổng hợp, nghiên cứu chỉnh sửa và sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Kết luận hội nghị, đồng chí Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận tất cả các ý kiến đóng góp của các địa phương và giải thích, làm rõ thêm một số điểm còn có ý kiến khác nhau, trong đó, thống nhất số lượng phòng của Văn phòng là 4 phòng (trong đó có 3 phòng như phương án 1 gồm Phòng Công tác Quốc hội, Phòng Công tác Hội đồng nhân dân, Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị và thêm một phòng do địa phương quyết định tùy theo tình hình thực tế). Số lượng biên chế đảm bảo hoàn thành hoạt động và thực hiện tốt công tác chuyên môn đồng thời đảm bảo yêu cầu tinh giản biên chế. Với 12 tỉnh, thành đang thực hiện thí điểm cần khẩn trương tách các văn phòng để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh sắp tới; 51 tỉnh, thành còn lại sẽ thực hiện hoàn thành chậm nhất đến ngày 01/7/2021, địa phương nào đủ điều kiện thì thành lập sớm.
XV