Đề cương truyên truyền kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII

Thứ sáu - 31/07/2015 09:00 46 0
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII bắt đầu từ ngày 20/5 và kết thúc ngày 26/6/2015, đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, kết quả chủ yếu

A.    BỐI CẢNH DIỄN RA KỲ HỌP

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII diễn ra trong bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước 5 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối kinh tế lớn được bảo đảm; tăng trưởng có mức phục hồi rõ rệt, thu ngân sách đạt khá, tỷ lệ lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, lãi suất tiếp tục giảm; an sinh xã hội, các chính sách giảm nghèo được quan tâm triển khai đồng bộ; quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại song phương, đa phương được đẩy mạnh.

Năm 2015 là năm "về đích" trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã được Đại hội Đảng lần thứ XI và Quốc hội khóa XIII xác định và tiến hành đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng. Trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới còn diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn, trước những thách thức và vận hội, cơ hội mới của đất nước, kỳ họp thứ 9 có vai trò quan trọng để nhìn lại chặng đường phát triển vừa qua, đánh giá đúng thực trạng tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tư pháp và các mặt công tác khác; xác định những việc cần làm ngay, những việc cần tiếp tục hoàn thành trong năm 2015 và chặng đường còn lại của kế hoạch 5 năm; phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

B.    NỘI DUNG VÀ KẾT QUẢ KỲ HỌP

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII bắt đầu từ ngày 20/5 và kết thúc ngày 26/6/2015, đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, kết quả chủ yếu như sau:

I. CÔNG TÁC LẬP PHÁP

Tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật được xác định là một nội dung trọng tâm của kỳ họp với nhiều dự án luật, bộ luật quan trọng. Do vậy, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để thảo luận, xem xét, thông qua 11 luật, 09 nghị quyết ([1]) và cho ý kiến về 15 ([2]) dự án luật khác nhằm tiếp tục triển khai thi hành, thể chế hóa Hiến pháp. Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) nhằm hoàn thiện các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước, các tổ chức thuộc hệ thống chính trị, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở; tiếp tục đổi mới công tác bầu cử, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong nhiệm kỳ tới; khắc phục những bất cập, tồn tại, bảo đảm tính đồng bộ của việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các thiết chế trong bộ máy nhà nước. 

Quốc hội đã dành sự quan tâm thỏa đáng trong thảo luận, cho ý kiến về các dự án Bộ Luật Dân sự (sửa đổi), Bộ Luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tạm giữ, Tạm giam. Việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các đạo luật này nhằm thể chế hóa, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp theo tinh thần Hiến pháp mới. Dự thảo các luật, bộ luật đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến với nhiều nội dung đổi mới, tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế trên tinh thần đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan sẽ hoàn chỉnh dự thảo các luật, bộ luật theo hướng tiếp tục hoàn thiện các quy trình, thủ tục về tố tụng, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, cụ thể hóa và bảo đảm các quyền hiến định của con người, của công dân, sự công tâm, khách quan của các cơ quan tố tụng trên tinh thần thượng tôn pháp luật. 

Quốc hội cũng đã thông qua dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với nhiều đổi mới, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, góp phần xây dựng và vận hành hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng. Tăng cường tính chủ động và đề cao vai trò của Chính phủ trong đề xuất, xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật. Xác định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương phù hợp với nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi phân cấp, phân quyền; tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phát huy dân chủ, tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bảo đảm sự đồng bộ với các nội dung liên quan của các dự án luật về tổ chức bộ máy nhà nước.

Ngoài ra, Quốc hội đã xem xét, thông qua và cho ý kiến về một số dự án luật nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; đổi mới quản lý, phân bổ, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước; cụ thể hóa các quyền hiến định của con người, của công dân; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã lắng nghe ý kiến của cử tri, xem xét Báo cáo của Chính phủ về quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Các vị đại biểu Quốc hội cho rằng chính sách quy định tại Điều 60 là đúng đắn, phù hợp với Hiến pháp, quan điểm, mục tiêu của Đảng và xu hướng tiến bộ chung trên thế giới về bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động khi về già, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, để kịp thời đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận người lao động, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động. Theo đó người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội nếu yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp có kế hoạch, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần đưa luật sớm đi vào cuộc sống. Đồng thời, đề cao trách nhiệm và có các biện pháp hữu hiệu thực hiện nghiêm túc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Các cơ quan của Quốc hội thường xuyên giám sát việc thi hành luật; có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng chuẩn bị các dự án trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và phần còn lại của Chương trình năm 2015.

II. XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH CÁC VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG

1. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước

Trên cơ sở xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá mặt được, chưa được trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; kết quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các ngành, các cấp; tập trung phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan, những thuận lợi, khó khăn… Từ đó, đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tổ chức thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015.

Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành nền kinh tế có chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống các chỉ tiêu năm 2014 có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch Quốc hội đề ra, nhiều chỉ tiêu còn đạt cao hơn mức đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Tái cơ cấu nền kinh tế đạt được một số kết quả nhất định. Các chính sách tiền tệ được điều hành theo hướng tích cực, cán cân thanh toán thặng dư; dự trữ ngoại hối cao nhất trong những năm trở lại đây. Thu ngân sách đạt khá. Chất lượng giáo dục, y tế được cải thiện; đời sống của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả.  Trong 6 tháng đầu năm 2015, cả nước tập trung triển khai nhiệm vụ năm 2015 với tinh thần quyết liệt, khẩn trương và đẩy mạnh cải cách, đã đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, tăng trưởng cải thiện so với nhiều năm trước, tạo nền tảng cho việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ Quốc hội đặt ra cho năm 2015 và chặng đường phát triển tiếp theo của đất nước…Tuy nhiên, các vị đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục: việc triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế còn chậm, chất lượng, hiệu quả chưa được cải thiện; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về thị trường tiêu thụ và khả năng cạnh tranh; sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn; tốc độ tăng trưởng nông nghiệp giảm liên tiếp trong nhiều năm qua ảnh hưởng đến đời sống nông dân; nguồn thu ngân sách nhà nước vẫn chưa vững chắc; chi tiêu công chứa đựng nhiều rủi ro; mức bội chi ngân sách tăng; chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chưa thật rõ nét, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; việc kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng- an ninh chưa đạt hiệu quả cao, nhiều chính sách đã ban hành chậm thực hiện; công tác phòng, chống tham nhũng còn hạn chế…

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.084.064 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.277.710 tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước là 236.769 tỷ đồng, bằng 6,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Quốc hội giao Chính phủ công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013; chỉ đạo các cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị kịp thời khắc phục những hạn chế; kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước và báo cáo kết quả với Quốc hội khi trình Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014.

2.     Chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành 

Xác định đây là Dự án quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Quốc hội tiếp tục dành thời gian thỏa đáng thảo luận về Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Quốc hội ghi nhận sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu và tinh thần nghiêm túc tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội của Chính phủ, đồng thời tiếp tục khẳng định sự cần thiết, tính đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần tính toán kỹ hiệu quả đầu tư, phân kỳ đầu tư, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi và phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành hàng không Việt Nam, khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển của đất nước. Sau khi xem xét, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong đó yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội trước khi quyết định đầu tư và hàng năm báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án.

3.     Về công tác nhân sự

Quốc hội đã tiến hành phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện thẩm quyền này theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) do không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. 

III. GIÁM SÁT TỐI CAO

1. Xem xét báo cáo và giám sát chuyên đề

Quốc hội xem xét các báo cáo theo quy định của pháp luật như: các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của các cơ quan của Quốc hội; các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, công tác dân nguyện, tiếp công dân; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Quốc hội cũng đã nghe Báo cáo về kết quả tổ chức Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU-132) và Báo cáo về tình hình Biển Đông.

Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao "Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật". Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị dự thảo Báo cáo và cơ bản nhất trí với những nhận định, đánh giá của Báo cáo. Đồng thời, ghi nhận sự cố gắng, tích cực của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án các cấp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; về cơ bản đã bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên vẫn còn để xảy ra những trường hợp oan, sai, có một số vụ rất nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận. So với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thì việc phòng, chống oan, sai còn hạn chế, bất cập. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ, ngành liên quan có biện pháp bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội và quyền tranh tụng trong xét xử; khi đã xác định được việc oan, sai thì phải kịp thời minh oan, bồi thường thỏa đáng cho người bị oan và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm pháp luật; hằng năm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016. Trong đó, ngoài những nội dung giám sát tối cao theo quy định, trong năm 2016, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề "Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp" tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

2. Chất vấn và trả lời chất vấn

Tại kỳ họp này, có 3.854  ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 157 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành. Quốc hội đã lựa chọn các thành viên Chính phủ và các nhóm vấn đề chất vấn trên cơ sở những vấn đề quan trọng được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm. Với thời gian 2,5 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn trực tiếp 04 bộ trưởng: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Công thương - Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Nguyễn Quân; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phạm Vũ Luận; Phó Thủ tướng Chính phủ-Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm những vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Phiên chất vấn được phát thanh truyền hình trực tiếp, đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri và đồng bào cả nước. Nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đòi hỏi phải sớm có giải pháp đồng bộ, căn cơ để giải quyết. Các vị đại biểu nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém và đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có giải pháp tích cực để khắc phục. Các thành viên Chính phủ trả lời trực tiếp vào nội dung được hỏi, không né tránh những vấn đề phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu ra; nhận trách nhiệm cá nhân, đề xuất giải pháp và thể hiện sự quyết tâm thực hiện để làm chuyển biến tình hình. Sau phiên chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

C- ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

Để phổ biến, giới thiệu rộng rãi đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nội dung và kết quả của kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, tạo được sự đồng thuận cao về nhận thức và hành động, công tác tuyên truyền thời gian tới cần chú ý làm sâu sắc những nội dung sau đây:

1. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII đã giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, chất lượng ngày được nâng cao, thể hiện tinh thần dân chủ, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới. Điểm mới của kỳ họp lần này biểu hiện trên các mặt: Công tác xây dựng Luật thể hiện sâu sắc tinh thần Hiến pháp năm 2013; phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế, đáp ứng nhu cầu của quá trình hội nhập quốc tế. Tinh thần trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với cử tri thể hiện ngày càng cao qua việc hàng ngàn ý kiến của cử tri được tiếp nhận, được giải đáp qua hoạt động tiếp xúc cử tri, qua hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội tại nghị trường. Quốc hội đã bàn sâu nhiều nội dung đang là tiêu điểm quan tâm của toàn xã hội như tình hình kinh tế - xã hội, vấn đề Biển Đông, việc khắc phục và giải quyết những vụ án oan sai…

2. Tuyên truyền nội dung các luật, bộ luật được Quốc hội thông qua; khẳng định các luật, bộ luật này đã phản ánh tinh thần bảo vệ quyền con người, quyền công dân - tinh thần quan trọng của Hiến pháp năm 2013. Tại Kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để triển khai thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có vị trí quan trọng, đây là cuộc bỏ phiếu phê chuẩn, thể hiện tín nhiệm, đồng thời cũng thể hiện đòi hỏi của Quốc hội và nhân dân với các đồng chí được giao trọng trách này.

3. Tại kỳ họp, trong số 9 Nghị quyết được Quốc hội xem xét thông qua, có 02 nghị quyết liên quan đến phát triển hạ tầng kinh tế và an sinh xã hội. Đó là Nghị quyết về Chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động. Nếu như Cảng Hàng không quốc tế Long Thành có ý nghĩa lớn để phát triển đất nước trong thế kỷ 21 thì việc cho phép người lao động tiếp tục hưởng bảo hiểm xã hội sau 01 năm nghỉ việc lại có ý nghĩa tức thời, trước mắt. Hai vấn đề này đã từng thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận và công luận thời gian qua với nhiều ý kiến còn khác nhau; do đó công tác tuyên truyền cần chú ý phân tích để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ và đồng thuận với các chủ trương, quyết định của Quốc hội.

4. Tuyên truyền sâu rộng những quyết định, giải pháp của Quốc hội, Chính phủ đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2015; những mặt được, chưa được, chỉ ra những yếu kém, tồn tại trong các ngành, lĩnh vực, dự báo nguy cơ tiềm ẩn cản trở sự phát triển, nhất là trong bối cảnh chủ quyền biển đảo của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc Trung Quốc tiến hành xây đắp với quy mô lớn tại các bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, đe dọa hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, cổ vũ cả hệ thống chính trị vào cuộc bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, nâng cao hiệu quả, chất lượng, sức cạnh tranh của kinh tế nước nhà, giữ vững đà tăng trưởng, thực hiện thành công tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình kinh tế; mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, kiên quyết đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, đưa đất nước vững vàng bước vào chặng đường phát triển tiếp theo.

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

(1) Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản pháp luật; Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Thú y; Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động; Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự; Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Nghị quyết về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

(2) Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Tạm giữ, tạm giam; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Trưng cầu dân ý; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán; Luật Thống kê (sửa đổi); Luật An toàn thông tin; Luật Phí, lệ phí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam; Luật Khí tượng thủy văn.

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây