Đề xuất trên được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra tại dự thảo Quyết định quy định các trường hợp cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP, Bộ này có trách nhiệm ban hành Danh mục sản phẩm CNTT đã qua sử dụng cấm nhập khẩu và xem xét, cho phép nhập khẩu sản phẩm thuộc Danh mục cấm nhập khẩu với mục đích nghiên cứu khoa học, các trường hợp nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu khác chỉ được phép khi có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, trong thực tiễn một số trường hợp đề nghị nhập khẩu sản phẩm thuộc danh mục cấm nhập khẩu là yêu cầu thực sự cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp như: nhập khẩu sản phẩm mẫu về làm nghiên cứu phát triển, nghiên cứu khoa học; nhập khẩu các sản phẩm về để gia công phần mềm; nhập khẩu hàng hóa theo hình thức di chuyển tài sản, mở rộng đầu tư trong cùng một tập đoàn; nhập khẩu các sản phẩm có tính năng chuyên dùng... Các trường hợp này không được quy định cho phép nhập khẩu như theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP và khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Từ thực tiễn quản lý nhà nước và trên cơ sở các kiến nghị, góp ý của các doanh nghiệp, Hiệp hội, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy để góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước, đối với lĩnh vực CNTT cần phải xem xét, cho phép nhập khẩu trong một số trường hợp. Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền Thông đề xuất 7 trường hợp được phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm CNTT đã qua sử dụng cấm nhập khẩu như sau:
1- Nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng theo hình thức di chuyển phương tiện sản xuất trong cùng một tổ chức, doanh nghiệp; nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng để làm thiết bị dùng để điều khiển, vận hành, khai thác, kiểm tra hoạt động của một phần hoặc toàn bộ hệ thống, dây chuyền sản xuất.
2- Nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng để phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất phần mềm, dịch vụ gia công quy trình kinh doanh bằng công nghệ thông tin (BPO), xử lý dữ liệu cho nước ngoài.
3- Nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin chuyên dùng.
4- Nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin sau khi đưa ra nước ngoài để sửa chữa (đối với các sản phẩm có giá trị lớn, đã hết thời hạn bảo hành nhưng trong nước không sửa chữa được).
5- Nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin được sản xuất trong nước về đề bảo hành, sửa chữa và tái xuất.
6- Nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin để tân trang, tái chế và phân phối lại trong nước.
7- Nhập khẩu sản phẩm, linh kiện, phụ kiện đã được tân trang để thay thế, sửa chữa cho người sử dụng trong nước mà sản phẩm, linh kiện, phụ kiện đó hiện nay không còn được sản xuất.
Đây chủ yếu là các trường hợp kiến nghị từ phía doanh nghiệp mà Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được nhiều và chủ yếu trong những năm qua. Đối với các trường hợp này, thông thường các doanh nghiệp chỉ đề nghị nhập khẩu sản phẩm với số lượng ít và không phục vụ mục đích kinh doanh thương mại mà chỉ phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất, nghiên cứu.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Theo chinhphu.vn