Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: Đại hội đoàn kết - dân chủ - kỷ cương - đổi mới

Thứ năm - 21/01/2016 16:00 109 0
Trình bày báo cáo chính trị trong phiên khai mạc 21/01/2016, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng là Đại hội đoàn kết - dân chủ - kỷ cương - đổi mới, thể hiện quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Nguyen Phu Trong 4.jpg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc báo cáo chính trị.

Tham dự lễ khai mạc trọng thể Đại hội lần thứ XII của Đảng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), ngoài 1.510 đại biểu đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên trong cả nước còn có các đồng chí nguyên là Tổng Bí thư như Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch MTTQ Việt Nam… Đến dự còn có các vị Đại sứ, Đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế cùng hàng trăm phóng viên trong và ngoài nước.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng điều hành phiên khai mạc.

Trong diễn văn khai mạc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: "Trong giờ phút lịch sử này, với lòng biết ơn vô hạn, Đại hội chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta, Người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, Người bạn thân thiết của các dân tộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Tư tưởng của Người, cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta".

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, trong thời điểm trọng đại này, mỗi đảng viên cần phải khắc ghi lời căn dặn của Người: "Đảng ta là một đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". 

Trình bày Báo cáo của BCH Trung ương Đảng khoá XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ như tư tưởng và nội dung cốt lõi trong các văn kiện. Đó là vững bước trên con đường đổi mới; phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đại hội lần thứ XII của Đảng có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI; nhìn lại 30 năm đổi mới; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2021; kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khoá XI; bầu Ban Chấp hành Trung ương khoá XII.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, trong 5 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, đạt được những thành quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược được tập trung thực hiện bước đầu đạt kết quả tích cực. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá, xã hội, y tế có bước phát triển. An sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn và cơ bản được bảo đảm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững hoà bình, ổn định. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao. Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng và đạt kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, đổi mới chưa đồng bộ và toàn diện. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch; nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được. Nhiều hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá, xã hội, y tế chậm được khắc phục. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Bốn nguy cơ mà Đảng chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Một số mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chuyển biến chậm.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 30 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Thành tựu và những kinh nghiệm, bài học đúc kết từ thực tiễn tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Thời kỳ mới đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hoá, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy vận dụng sáng tạo, phát triển, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, dự báo chính xác và kịp thời có chủ trương, chính sách xử lý hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn, giải quyết tốt các mối quan hệ lớn phản ánh quy luật đổi mới và phát triển ở nước ta: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất; giữa nhà nước và thị trường; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ...

nguyenbthu.jpg

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Võ Văn Phuông cùng nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thị Minh chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu.

Báo cáo chính trị cho rằng, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, trong khi triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ Nghị quyết của Đại hội trên các lĩnh vực, cần tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Hai là, xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Ba là, tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược; cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công.

Bốn là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trườn» quốc tế.

Năm là, thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dần. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sáu là, phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Tại Đại hội, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đọc Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Buổi chiều, các đại biểu làm việc tại Đoàn nghiên cứu, thảo luận các văn kiện Đại hội XII.

Vào ngày 22/01, Đại hội tiếp tục làm việc tại Hội trường cả ngày để thảo luận các văn kiện Đại hội XII của Đảng.

Đặng Hoàng Thái

(Từ Hà Nội)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây