Đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao

Thứ ba - 15/11/2016 15:00 45 0
Xây dựng nông thôn mới đã trở thành bước đột phá toàn diện trong phát triển nông thôn, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ; người dân từng bước nhận thức về ý nghĩa, mục đích của Chương trình và vai trò chủ thể của mình. Thông qua việc thực hiện 11 nội dung của Chương trình đã huy động khá lớn các nguồn lực xã hội cho xây dựng nông thôn mới, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước; nâng cao vai trò chủ thể của nhân dân trong quản lý và trách nhiệm đối với xã hội.

Kết cấu hạ tầng thiết yếu ở nông thôn (giao thông, thuỷ lợi, điện, giáo dục, y tế,...) được tập trung đầu tư đã tạo bộ mặt nông thôn đổi mới, văn minh hơn; hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố; thu nhập và đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao.

Tính từ năm 2013 đến nay, lĩnh vực giáo dục - đào tạo ở nông thôn, tiếp tục duy trì và phát triển, giữ vững chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; nâng cao chất lượng, đẩy mạnh phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Hoàn thành các chỉ tiêu về huy động trẻ 5 tuổi đạt tỷ lệ trên 99%, củng cố và duy trì phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở 09/09 huyện, thành phố, có 95/95 xã, phường, thị trấn được kiểm tra và kiến nghị đạt chuẩn quốc gia, có 24/95 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học. Đề án Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại vùng nông thôn khó khăn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020 đã được thông qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2016.

Việc chăm sóc sức khỏe dân cư nông thôn và phát triển mạng lưới y tế được quan tâm đầu tư. Hiện nay, 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 77 trạm y tế xã được xây mới; tất cả các trạm y tế đáp ứng nhu cầu hoạt động, phục vụ nhân dân. Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ trong công tác phòng, chữa bệnh và khống chế có hiệu quả các dịch bệnh; duy trì 80 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 67,5% so với dân số toàn tỉnh (tính đến tháng 6/2016) và phấn đấu đến cuối năm 2016 thực hiện Bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân đạt 72,5 %. Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm về công tác BHYT (ngày 18/8/2016) Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đã chỉ đạo: Từ nay đến cuối năm các ngành và địa phương trong tỉnh nỗ lực phấn đấu thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đạt chỉ tiêu đề ra, trong đó "cần tập trung tăng cường tuyên truyền vận động để người dân hiểu và tham gia BHYT. Nâng cao tinh thần thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sỉ không phân biệt đối xử giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT khi khám chữa bệnh. Đây là yếu tố quyết định để người dân lựa chọn tham gia BHYT".

Đời sống văn hóa, thông tin và truyền thông nông thôn không ngừng được cải thiện. Toàn bộ quy trình đăng ký, bình xét và phương pháp xét công nhận "Gia đình Văn hóa" (theo Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 27/5/2015 của UBND tỉnh) đã được đổi mới, đến nay toàn tỉnh có 60% ấp - khu phố, 60% gia đình đạt chuẩn văn hóa. Đời sống văn hóa nông thôn phát triển đa dạng, phong phú, tối thiểu trên địa bàn các xã có tụ điểm sinh hoạt văn hóa, vui chơi thể thao (bao gồm thiết chế do nhà nước đầu tư và dân lập); nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa được nâng lên, thông qua các thiết chế văn hóa tỉnh: Đoàn nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa, Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng…, thiết chế văn hóa huyện, xã: Trung tâm Văn hóa - thể thao huyện, Trung tâm Văn hoá Thể thao và Học tập cộng đồng tại các xã, nhân dân được tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao; văn hóa dân tộc được gìn giữ và phát huy, các loại hình nghệ thuật truyền thống như: Đờn ca tài tử giữ vai trò chủ đạo trong các hoạt động văn nghệ quần chúng ở cơ sở…Hệ thống thông tin truyền thông cơ sở phát triển mạnh, sóng phát thanh- truyền hình, sóng điện thoại di dộng đã phủ khắp vùng nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn tiếp cận nhanh với đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thông qua các hình thức tuyên truyền trên hệ thống phát thanh- truyền hình và mạng internet, góp phần rút ngắn khoảng cách hưởng thụ thông tin giữa thành thị và nông thôn.

Các công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn không ngừng được đầu tư, nâng cấp sửa chữa kịp thời để phục vụ nhân dân. Trong thời gian qua, đã sửa chữa, nâng cấp 19 công trình cấp nước tập trung, 63 công trình bảo vệ môi trường khu dân cư. Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã hỗ trợ 47.144 hộ cải tạo, xây mới 40.314 công trình vệ sinh; tỷ lệ dân cư nông thôn dùng nước hợp vệ sinh đạt 97,5%. Nguồn nước được khai thác có hiệu quả nhằm giải quyết nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh và các tổ chức chính trị như: Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh các cấp đã triển khai thực hiện Chương trình "Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường" từ tỉnh đến cơ sở. Mặt trận Tổ quốc tỉnh triển khai mô hình "Khu dân cư tự quản về môi trường", ở 73 địa bàn khu dân cư. Nhiều mô hình tham gia bảo vệ môi trường có hiệu quả đang được nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh, góp phần làm cho môi trường sống nông thôn ngày càng trong lành hơn.

NQ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây