Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp từ Trung ương đến cơ sở đã triển khai Chương trình Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường có nhiều nội dung, nhiệm vụ. Trong đó hai nhiệm vụ tập trung là công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư và xây dựng các mô hình điểm Khu dân cư bảo vệ môi trường.
Từ năm 2005, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường để cụ thể hoá các nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong các phong trào, cuộc vận động, đặc biệt là cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư và cuộc vận động Ngày vì người nghèo, nhằm gắn công tác bảo vệ môi trường với phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích cực triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội trên lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Về công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp triển khai những nội dung cụ thể: Tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường, đặc biệt là nhiệm vụ bảo vệ môi trường ở các cộng đồng dân cư; trách nhiệm của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong vận động, hướng dẫn, tổ chức cho nhân dân nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi theo hướng tích cực về bảo vệ môi trường ở các địa bàn dân cư.
Bên cạnh đó, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tuyên truyền, tôn vinh những mô hình, điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường; đồng thời kịp thời phản ánh các vấn đề đặt ra về ô nhiễm môi trường và nhiệm vụ bảo vệ môi trường tại các cộng đồng dân cư, tuyên truyền, phản ánh các hoạt động truyền thông, vận động, giám sát của hệ thống Mặt trận các cấp (từ Trung ương đến Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư) về tham gia bảo vệ môi trường.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện nhiều phương thức tuyên truyền linh hoạt, đa dạng, phong phú như: mở các chuyên mục "Môi trường quanh ta"; "Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường"; "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhiệm vụ bảo vệ môi trường"; "Môi trường và sức khoẻ" trên các phương tiện thông tin, truyền thông. Từ năm 2006 đến nay, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ đạo triển khai xây dựng các mô hình điểm Khu dân cư bảo vệ môi trường với phương thức: Ở mỗi tỉnh, thành phố, tùy theo đặc điểm của các loại hình khu dân cư vùng thành thị, nông thôn, miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biển, vùng có đông đồng bào tín đồ các tôn giáo để lựa chọn 2 khu dân cư xây dựng mô hình điểm bảo vệ môi trường, sau này nhân rộng tại các địa phương và trong cả nước. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã được xây dựng các mô hình điểm và nhân rộng với các loại hình, tên gọi cụ thể: "Lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư"; "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường" và "Khu dân cư thực hiện hài hoà xoá đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường".
Về thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thường xuyên tổ chức tập hợp ý kiến của nhân dân trên lĩnh vực tài nguyên, môi trường để báo cáo trước các kỳ họp của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp; tổ chức góp ý kiến, phản biện xã hội vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, như: dự thảo Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo; dự thảo Luật Khí tượng thủy văn,…
Trong các năm 2013 – 2015, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp tổ chức các đợt giám sát việc quản lý, xử lý tình trạng khai thác cát sỏi trái phép gây sạt lở các bờ sông và tác động tiêu cực đến môi trường sống của nhân dân; vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề truyền thống; vấn đề sử dụng vật tư nông nghiệp trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương.
Từ hoạt động của các mô hình, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường đi vào những vấn đề cụ thể, thiết thực, sát với đời sống của cộng đồng dân cư như: cùng nhau thực hiện nền nếp việc tổng vệ sinh ở khu dân cư vào sáng thứ 7, hoặc ngày Chủ nhật xanh – sạch, giữ gìn cảnh quan khu dân cư,… hằng tuần được duy trì đều đặn. Từ mô hình, đã có nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động đa dạng, thiết thực về bảo vệ môi trường được hình thành ở các địa bàn dân cư. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền về nội dung bảo vệ môi trường được duy trì thường xuyên, có tác dụng tích cực, tạo thành phong trào trên địa bàn, giúp người dân xây dựng "thói quen tốt" về bảo vệ môi trường.
Hoạt động tự quản bảo vệ môi trường đã có tác dụng lớn cho công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường ở các khu dân cư, đặc biệt là đã phát huy được vai trò của các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư tự giác tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Bước đầu đã hình thành được thói quen, phương pháp thực hiện trách nhiệm giám sát và tự giám sát thực hiện các quy định bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư. Đồng thời người dân đã nêu cao trách nhiệm giám sát việc bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội trên địa bàn khu dân cư.
Hoạt động giám sát và phản biện xã hội trên lĩnh vực bảo vệ môi trường của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp góp phần thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý, điều hành của các cơ quan chức năng và trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ở các địa phương; việc tham mưu, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng sát với yêu cầu phát triển bền vững của đất nước và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của người dân ở các địa bàn dân cư.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam định hướng triển khai Chương trình toàn dân tham gia bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2016 – 2020 là phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động toàn dân nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi theo hướng tích cực về bảo vệ môi trường là việc làm vừa có tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài của cả hệ thống chính trị, từ đó, có sự đầu tư thỏa đáng về cơ chế, chính sách, giải pháp phối hợp cho việc triển khai thực hiện.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở cơ sở, nhất là kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; tăng cường chế tài đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm, tạo nên sự đồng bộ giữa công tác tuyên truyền, vận động và tự giác thực hiện của người dân với hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, kịp thời phát hiện, tôn vinh, biểu dương các cá nhân, tổ chức đơn vị là gương điển hình, mô hình tốt, việc làm hay về bảo vệ môi trường ở các địa bàn dân cư để quảng bá, tuyên truyền như là những hành động yêu nước, việc làm tích cực đem lại hạnh phúc cho mọi người. Đồng thời có tiếng nói phê phán mạnh mẽ hơn nữa các hành vi, thói quen, tập quán sinh hoạt lạc hậu,… gây tác hại về môi trường cần phải khắc phục; giám sát, kiến nghị cụ thể với các cơ quan chức năng xử lý những vấn đề về ô nhiễm môi trường, gây cạn kiệt tài nguyên môi trường trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, đơn vị quản lý của chính quyền ở các cộng đồng dân cư.
Quang Dững