Tài liệu hỏi đáp: SỐ HÓA TRUYỀN HÌNH MẶT ĐẤT

Thứ ba - 15/11/2016 08:00 82 0
Theo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 của Thủ tướng chính phủ tại Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011, trước ngày 31 tháng 12 năm 2018, Tây Ninh là một trong 18 tỉnh thuộc nhóm III của Đề án phải kết thúc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình tương tự để chuyển sang phát sóng truyền hình số mặt đất.

sohoa.jpg

Nhằm hỗ trợ người dân về quá trình chuyển đổi, về sự cần thiết phải chuyển sang truyền hình số. Tư vấn trợ giúp những vấn đề cần thiết liên quan đến kỹ thuật và cách thức để người dân chuyển đổi, các phương thức truyền hình khác mà người dân có thể sử dụng tại nơi ở, thông tin về quá trình số hóa tại khu vực mà họ sinh sống, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, tạo sự đồng thuận của người dân về quá trình số hóa truyền hình. Sở Thông tin và Truyền thông Tây Ninh biên soạn một số câu hỏi và đáp nhằm làm rõ thêm về vấn đề số hóa truyền hình mặt đất đang diễn ra trên cả nước như sau:

1. Truyền hình số là gì? Truyền hình số làm việc như thế nào?

- Trong truyền hình số, tín hiệu hình ảnh và âm thanh được truyền dẫn, phát sóng dưới dạng dòng dữ liệu số đã được xử lý (tín hiệu truyền hình số).

Tại phần thu (đầu thu truyền hình số DVB-T2 hoặc Tivi có tích hợp đầu thu truyền hình số DVB-T2), tín hiệu truyền hình số được chuyển đổi ngược lại thành hình ảnh và âm thanh.

- Tín hiệu truyền hình số có thể truyền theo 3 phương thức: phát sóng mặt đất (sử dụng anten thông thường), phát sóng qua vệ tinh (sử dụng anten vệ tinh), hoặc cáp (CATV, IPTV). Truyền hình số sử dụng phương thức phát sóng mặt đất được gọi là truyền hình số mặt đất.

2.  Số hóa truyền hình mặt đất là gì?

- Số hóa truyền hình mặt đất được hiểu đơn giản là quá trình chuyển đổi công nghệ phát sóng và thu, xem từ truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất. Quá trình số hóa truyền hình mặt đất được thực hiện cả ở phía phát và phía thu nhằm mang lại nhiều lợi ích cho người xem truyền hình, công nghiệp truyền hình và Nhà nước.

- Khi quá trình số hóa này hoàn thành, truyền hình số mặt đất sẽ thay thế hoàn toàn truyền hình tương tự mặt đất. Truyền hình tương tự mặt đất sẽ ngừng hoạt động và đi vào lịch sử như truyền hình đen trắng trước đây được thay thế bởi truyền hình màu.

3. Tại sao phải chuyển từ truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất?

Quá trình số hóa truyền hình mặt đất là tất yếu vì các yếu tố sau đây:

- Quá trình số hóa truyền hình mặt đất đang diễn ra trên quy mô toàn thế giới vì các lợi ích mà nó mang lại;

- Truyền hình số mặt đất đem lại nhiều lợi ích cho người xem như chất lượng cao về hình ảnh và âm thanh, số lượng nhiều kênh chương trình truyền hình được truyền;

Chuyển sang truyền hình số mặt đất:Nhiều kênh chương trình, dịch vụ truyền hình mới được cung cấp ra thị trường; Công nghiệp nội dung, sản xuất chương trình truyền hình có điều kiện để phát triển; lĩnh vực truyền dẫn, phát sóng huy động được các nguồn lực, được đầu tư, phát triển theo hướng chuyên môn hóa, đạt hiệu quả cao hơn nhiều so với truyền hình tương tự mặt đất; băng tần UHF đang sử dụng bởi truyền hình mặt đất sẽ được giải phóng. Đây là nguồn tài nguyên tần số quan trọng để triển khai các dịch vụ thông tin vô tuyến băng rộng mới. Góp phần vào thức đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

4.  Lợi ích của người xem truyền hình khi chuyển sang sử dụng truyền hình số?

Truyền hình số cho chất lượng âm thanh, hình ảnh trung thực và sắc nét; không còn hiện tượng "bóng ma", "muỗi" như truyền hình tương tự.

Truyền hình số có thể cung cấp số lượng kênh chương trình nhiều hơn truyền hình tương tự.

Người xem được hưởng thêm các tiện ích khác, ví dụ như dịch vụ Hướng dẫn chương trình điện tử (EPG), truyền hình tương tác…

5.  Khi chuyển sang truyền hình số mặt đất, Tivi (TV) cũ đang dùng có còn sử dụng được nữa không?

TV  cũ đang được dùng để xem truyền hình tương tự mặt đất và trong vùng phát sóng truyền hình số mặt đất thì bạn phải mua đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 để tiếp tục sử dụng TV cũ.

6. Đang sử dụng truyền hình cáp, cần phải làm gì khi số hóa truyền hình mặt đất?

Truyền hình cáp không bị ảnh hưởng khi số hóa truyền hình mặt đất. Người xem vẫn thu, xem bình thường và không phải chuyển đổi sang truyền hình số mặt đất.

7.  Nếu sử dụng truyền hình số mặt đất, có phải mất tiền thuê bao hàng tháng như truyền hình cáp không?

Sử dụng truyền hình số mặt đất có thể thu xem miễn phí nhiều kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài phát thanh truyền hình địa phương và các kênh không khóa mã, tức là vẫn có thể xem các kênh chương trình như hiện tại, nhưng hình ảnh sẽ sắc nét, âm thanh sẽ sống động hơn.

Ngoài ra, truyền hình số mặt đất còn cung cấp các dịch vụ truyền hình trả tiền (được khóa mã để quản lý thuê bao). Để truy cập được các dịch vụ truyền hình này thì người xem truyền hình phải ký hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ và trả tiền phí thuê bao hàng tháng.

8. Có thể xem được bao nhiêu kênh miễn phí trong truyền hình số mặt đất ?

Số lượng kênh miễn phí bao gồm các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của Trung ương và địa phương, cùng nhiều kênh chương trình khác được các đơn vị truyền dẫn, phát sóng không khóa mã đến người xem.

9.  Nên đầu tư mua TV mới có tích hợp đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 hay chỉ nên mua đầu thu truyền hình số DVB-T2 và sử dụng TV cũ?

- Trường hợp mua đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 và dùng TV cũ thì sẽ không thưởng thức được các kênh chương trình truyền hình có chất lượng cao đang được truyền trên truyền hình số mặt đất nếu TV cũ có độ phân giải thấp.

- Nếu có nhu cầu và đủ điều kiện mua TV mới, thì nên mua TV có tích hợp đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 để có thể tận hưởng các ưu điểm của truyền hình số về chất lượng hình ảnh, âm thanh.

10.  Có quy định tiêu chuẩn gì cho đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 không?

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia dành cho thiết bị thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại Thông tư số 20/2012/TT-BTTTT ngày 04/12/2012.

Theo quy định, các đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 hoặc TV có tích hợp đầu thu thu truyền hình số DVB-T2 khi lưu thông trên thị trường phải có nhãn hàng hàng hóa, dấu hợp quy và phải dán biểu trưng truyền hình số mặt đất.

11. Làm sao nhận biết TV nào có tích hợp đầu thu truyền hình số DVB-T2?

Theo quy định, các TV sử dụng công nghê màn hình LCD,PDP, LED, OLED và các công nghệ màn hình tiếp theo được sản xuất hoặc nhập khẩu để sử dụng tại Việt Nam sau ngày 01/4/2015 bắt buộc phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất tiêu chuẩn DVB-T2.

Hơn nữa, nếu TV có tích hợp tích hợp đầu thu truyền hình số DVB-T2 thì trong nhãn hàng hóa, sẽ có dòng chữ "Hỗ trợ thu truyền hình số mặt đất DVB-T2".

12. Tại Tây Ninh, muốn mua đầu thu truyền hình số DVB-T2 thì liên hệ ở đâu? Nên chọn mua loại nào?

Tại Tây Ninh, có thể liên hệ với các cửa hàng kinh doanh TV hoặc các hộ kinh doanh chuyên lắp anten thu hình gần nơi sinh sống để mua đầu thu truyền hình số DVB-T2.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều nhãn hiệu đầu thu truyền hình số DVB-T2 với giá cả chênh lệch khác nhau.Các đầu thu nhái nhãn hiệu hay hàng lậu, không rõ nguồn gốc thường có giá rất rẻ. Các đầu thu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn do Nhà nước quy định phải có gắn biểu trưng số hóa truyền hình và gắn dấu hợp quy trên bao bì hoặc trên đầu thu.

hinh.jpg

Hình minh họa. Biểu trưng số hóa truyền hình số mặt đất DVB-T2.

 dauhopquy.jpg

Hình minh họa. Dấu hợp quy

Các đầu thu truyền hình số DVB-T2 không thực hiện công bố hợp quy, chưa dán nhãn hàng hóa, chưa có logo số hóa truyền hình là những mặt hàng không được phép lưu thông trên thị trường. Tính đến ngày 5/5/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp thông báo chứng nhận hợp quy cho 67 nhãn hiệu đầu thu DVB-T2 gồm: SDT 15-s, VTV T2 HD16-M, VTC-T202 …

13.  Để xem truyền hình số mặt đất có cần anten hay không? Anten hiện đang sử dụng dùng để xem truyền hình số mặt đất được không?

Để thu tín hiệu truyền hình số mặt đất DVB-T2, cần phải sử dụng anten. Nguyên nhân là do anten là một thiết bị quan trọng để thu tín hiệu truyền hình. Nếu anten đang sử dụng hiện nay thu được tín hiệu tốt thì không cần phải mua anten mới để xem truyền hình số mặt đất.

14. Các loại anten để xem truyền hình số mặt đất? Khi lắp anten có phải lưu ý gì không?

Anten là một thiết bị quan trọng không thể thiếu được khi thu xem truyền hình số mặt đất. Để thu được tín hiệu truyền hình, chúng ta có 02 loại anten đó là anten trong nhà và anten ngoài trời.

Anten trong nhà có ưu điểm là thiết kế nhỏ, gọn, có thể để đặt ở gần hoặc phía bên TV. Điều này mang lại tính thẩm mỹ cao và tiện lợi cho người dùng, nhưng anten trong nhà có hạn chế là chỉ thích hợp với những hộ gia đình tại chung cư cao tầng và vị trí gần trạm phát sóng. Nếu khu vực người dân sinh sống ở xa trạm phát sóng, nhà ở tầng trệt, bị nhiều vật cản hoặc các tòa nhà khác che chắn thì khó có thể dùng anten trong nhà vì sẽ thu sóng kém.

Anten ngoài trời có ưu điểm khả năng thu sóng truyền hình số tốt hơn anten trong nhà và giá rẻ hơn. Vì trong mạch anten có thể có bộ khuếch đại nên bắt sóng tốt hơn.Ngoài ra anten ngoài trời không bị nhiễu do các thiết bị gia dụng như đèn huỳnh quang, điện thoại không dây, được trang bị sơn chống tĩnh điện và chống rỉ bên ngoài, chịu được tốt thời tiết mưa nắng.

Đối với khu vực nông thôn, vùng núi, những khu vực thoáng thuận tiện lắp đặt anten ngoài trời thì nên dùng loại này để chất lượng thu xem truyền hình tốt hơn, chi phí lại rẻ hơn. Khi đặt anten ở ngoài trời nên chọn vị trí thông thoáng, hướng anten về phía trạm phát sóng gần nhất và không bị che chắn.Đồng thời, cần tránh đường dây điện, các trụ đỡ của anten cũng cần phải chắc chắn. Nếu trụ được đặt càng cao thì càng cần phải đảm bảo độ an toàn khi có gió mạnh, bão./.

                                                                   Thanh Tra Sở

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây