Án tuyên không rõ ràng, nên thi hành án “theo bước” toà án

Thứ hai - 11/11/2013 00:00 84 0
Tham gia thảo luận tại hội trường kỳ họp Quốc hội hôm 7.11 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án, công tác phòng chống tham nhũng năm 2013, ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nhận định, trong thời gian qua các ngành chức năng đã có nhiều cố gắng nhưng công tác thi hành án dân sự thực tế vẫn còn chậm và thậm chí có những nơi “dậm chân tại chỗ”.

 

Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương phát biểu ý kiến

Ngoài những nguyên nhân Uỷ ban Tư pháp Quốc hội đã nêu, đại biểu Phương đưa ra một số nguyên nhân gây ra tình trạng tồn đọng án, về chủ quan là trình độ nguồn lực của thẩm phán còn hạn chế, có tình trạng “dễ làm khó bỏ”, hoặc “làm thì sợ bị lỗi”… điều đó dẫn đến tình trạng bản án khi được tuyên không rõ ràng, không đầy đủ, khi chuyển giao qua cơ quan thi hành án thì không thi hành được.

Có những vụ án đơn vị thi hành án phát hành văn bản yêu cầu toà án giải thích rõ để công tác thi hành án được tốt nhưng vẫn rơi vào im lặng, toà án không có lời giải thích rõ ràng, khiến cho án không thi hành được. Và như vậy thì… theo bước của toà án, cơ quan thi hành án tiếp tục lựa án dễ, án rõ ràng để thi hành - đây là nguyên nhân làm chậm công tác thi hành án, thậm chí rất phổ biến.

Mặt khác trong thi hành án dân sự, thủ tục hành chính còn quá rườm rà và hình thức. Đại biểu Phương nêu ví dụ cụ thể như khi đối tượng được thi hành án phải làm đơn xin thi hành án, và cho rằng đây là tồn tại của “cơ chế xin cho”, khiến những người “vô phúc táo tụng đình” không biết về quy trình này cứ ngồi chờ thi hành án, nhưng chờ hoài vẫn không được thi hành, lý do là “chưa có đơn xin thi hành án”.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương kiến nghị: “Các bộ, ngành Trung ương liên quan cần có sự thống nhất trong xét xử, có văn bản chỉ đạo rõ ràng cụ thể và cần có biện pháp xử lý các thẩm phán tuyên bản án không rõ ràng gây ách tắc trong công tác thi hành án. Bên cạnh đó cần có giải pháp nâng cao hơn nữa trình độ thẩm phán cũng như công tác tranh tụng tại tòa.

Đồng thời cần công khai minh bạch công tác thi hành án, thậm chí có kế hoạch trong tháng công khai tại trụ sở cơ quan Thi hành án dân sự; nhanh chóng giải quyết thủ tục hành chính, xoá bỏ hình thức như vừa nêu trên để tạo hành lang thông thoáng cho người dân”.

Về công tác phòng chống tham nhũng, ĐBQH Trịnh Ngọc Phương kiến nghị: “Với tình hình hiện nay tôi đề nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết riêng về xử lý tham nhũng, tội phạm chức vụ, kinh tế. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần xử lý nghiêm khắc loại tội phạm này để củng cố lại lòng tin trong nhân dân.

Vấn đề này đã đến lúc phải có việc làm cụ thể, chẳng hạn như vừa qua Chánh án TAND tối cao đã tuyên bố kỳ này sẽ đem ra xử 6 vụ đại án. Tôi đề nghị xử lý tham nhũng cũng phải cụ thể như thế thì nhân dân mới an tâm và đất nước mau chóng phát triển, để dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây