Đánh giá kết quả dự án “Tăng cường quản trị địa phương để phát triển kinh tế tại thành phố Tây Ninh”

Thứ năm - 23/04/2015 10:00 31 0
Các đại biểu đề nghị chính quyền TP. Tây Ninh tổ chức thêm các buổi đối thoại với doanh nghiệp vừa và nhỏ để giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc, cũng như nhân rộng những mô hình kinh doanh, sản xuất đạt hiệu quả; đồng thời chuyển bộ phận thu thuế tại các xã, phường về bộ phận 1 cửa của xã, phường để thuận tiện cho người dân trong việc nộp thuế, tránh gây phiền hà cho người dân; đẩy mạnh cải cách hành chính công gắn với xây dựng chính quyền điện tử để khuyến khích các HKD giao tiếp qua mạng.

du an.JPG

Quang cảnh hội nghị.

Ngày 20.4.2015, Ban Quản lý dự án "Tăng cường quản trị địa phương để phát triển kinh tế tại các đô thị Việt Nam" (Logovic) phối hợp với UBND TP. Tây Ninh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả cuộc thi "Tăng cường quản trị địa phương để phát triển kinh tế tại TP. Tây Ninh", diễn ra từ tháng 6.2014 đến tháng 3.2015.

Ông Trần Hữu Hậu- Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban Điều phối Dự án điểm TP. Tây Ninh chủ trì hội nghị. Tham dự có bà Marion Fischer - Giám đốc dự án Logovic phía EU và bà Vũ Thị Vinh- Chủ tịch Hiệp hội các Đô thị Việt Nam.

Dự án Logovic do Liên minh châu Âu (EU) và Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) của Cộng hoà Liên bang Đức tài trợ. Toàn bộ dự án có 16 hoạt động chính, trong đó TP Tây Ninh cử cán bộ tham gia hầu hết các hoạt động như: hội thảo lấy ý kiến về các bảng hỏi, tập huấn và phỏng vấn cho 100 hộ kinh doanh (HKD); phát động cuộc thi "Tăng cường quản trị địa phương để phát triển kinh tế"; tổ chức các khoá đào tạo cho 20 cán bộ công chức, 20 HKD…

Thông qua dự án, lãnh đạo TP. Tây Ninh quan tâm đến việc tạo mọi điều kiện cho người dân tham gia phát triển kinh tế, phát triển ngành nghề, nâng cao đời sống và tăng cường giao tiếp giữa chính quyền và HKD được thuận lợi hơn.

 Sau gần một năm thực hiện, đến nay dự án Logovic tại TP. Tây Ninh đã đạt được 5 kết quả khả quan là: Xây dựng khung logic, kế hoạch hoạt động và phát động cuộc thi; Nâng cao năng lực công tác cho đại diện cán bộ, công chức, viên chức, hộ kinh doanh của TP. Tây Ninh; Cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính công; Nâng cao khả năng phối hợp giữa các cơ quan của Thành phố và HKD; Đề xuất các sáng kiến để nhân rộng ra các địa phương khác.

Tại TP. Tây Ninh, dự án tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, công chức, HKD và các cơ quan truyền thông về vai trò và tiềm năng của HKD đối với sự phát triển kinh tế địa phương, trách nhiệm của chính quyền trong việc cải thiện môi trường kinh doanh;

Tạo nên sự thay đổi cách tư duy và phương pháp làm việc của cán bộ, công chức, chủ yếu là hướng về kết quả và đối tượng phục vụ; HKD hiểu thêm về tầm quan trọng của kinh tế hộ gia đình, kỹ năng kinh doanh, quản lý vốn, tác động của việc kinh doanh đến môi trường, có thêm mối quan hệ với các hộ kinh doanh khác.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ các kết quả và đưa ra những tồn tại như: Việc đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ còn nhiều khó khăn; chưa có người chuyên trách trong công việc cập nhật, chọn lọc bổ sung thông tin đến với HKD;

Các HKD rất ít tiếp cận được thông tin ngành nghề và thị trường, còn tự phát, chưa phát triển mạng lưới liên kết; quy chế phối hợp giữa các cơ quan TP trong quản lý HKD đã được ban hành, song thực tế việc triển khai gặp nhiều khó khăn, đôi lúc công việc kiểm tra còn chồng chéo.

Các đại biểu đề nghị chính quyền TP. Tây Ninh tổ chức thêm các buổi đối thoại với doanh nghiệp vừa và nhỏ để giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc, cũng như nhân rộng những mô hình kinh doanh, sản xuất đạt hiệu quả; đồng thời chuyển bộ phận thu thuế tại các xã, phường về bộ phận 1 cửa của xã, phường để thuận tiện cho người dân trong việc nộp thuế, tránh gây phiền hà cho người dân; đẩy mạnh cải cách hành chính công gắn với xây dựng chính quyền điện tử để khuyến khích các HKD giao tiếp qua mạng.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây