Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Tây Ninh: Tham gia góp ý một số nội dung thảo luận tổ

Thứ hai - 25/05/2015 17:00 22 0
Sáng ngày 22.5.2015, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016; điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khoá XIII và năm 2015, Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương và Nguyễn Thành Tâm- Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Tây Ninh đã tham gia phát biểu một số vấn đề. Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khoá XIII và năm 2015, đại biểu đề nghị Chính phủ cần chuẩn bị kỹ các dự án luật trước khi trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và toàn khoá để khắc phục tình trạng xin rút ra do còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, khảo sát.

Hiện nay, Việt Nam chưa có Luật Hành nghề kiến trúc sư, đại biểu đề nghị đưa dự án Luật Hành nghề kiến trúc sư vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2015-2016.

Về Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trong thời gian qua Nhà nước xử lý còn chậm, lúng túng khi công nhân có kiến nghị. Luật chưa có hiệu lực đã tạo ra phản ứng trái chiều. Đại biểu đề nghị tăng cường vai trò truyền thông của các cơ quan thông tin đại chúng, đồng thời ngành Bảo hiểm xã hội cần tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân- nhất là công nhân để hiểu và thấy tầm quan trọng của điều luật này.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị đưa ra hai phương án để người lao động chọn lựa là nghỉ để giải quyết chế độ một lần và nghỉ hưởng lương hưu.

Về dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đại biểu đồng ý sửa đổi ban hành luật mới để khắc phục hạn chế và nâng cao hiệu lực. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bỏ Khoản 3, Điều 89 về tổ đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn: "a) Thông báo nội dung, kế hoạch giám sát cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát chậm nhất là 5 ngày làm việc trước ngày bắt đầu tiến hành hoạt động giám sát;

b) Mời đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia giám sát, mời chuyên gia tư vấn về những vấn đề cần thiết". Theo đại biểu thì tổ đại biểu chỉ là hình thức tổ chức hoạt động của đại biểu, không có đủ tư cách pháp nhân để thông báo và mời đại biểu tham gia giám sát (không có con dấu).

Về Điều 92 dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân về bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát, đại biểu nhận thấy việc nêu kết luận sau giám sát chưa sâu, còn thể hiện rải rác ở các điều khác. Từ đó đề nghị nên quy định trách nhiệm ràng buộc đối với cơ quan được giám sát (kể cả cơ quan cấp trên của đối tượng được giám sát).

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây