Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh: Góp ý dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và Dự án Luật Căn cước công dân

Thứ hai - 08/09/2014 00:00 30 0
Sáng 6.9, ông Lê Minh Trọng- Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh đã chủ trì Hội nghị góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự và Dự án Luật căn cước công dân.

 

Quang cảnh hội nghị.

Tham dự hội nghị có ông Lâm Tấn Đông - Thường trực HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã đồng thuận với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự nhằm tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước.

Nhiều đại biểu cho rằng đối với quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án (điều 7), việc quy định người được thi hành án, người phải thi hành án cùng chịu các chi phí thi hành án là không công bằng, đề nghị bỏ quy định người được thi hành án phải chịu chi phí.

Đối với điều 29 của Luật này, nhiều đại biểu cũng cho rằng khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành, cơ quan có thẩm quyền phải chủ động ra quyết định thi hành án, không nên bắt buộc đương sự phải có đơn yêu cầu thi hành án. Việc tiến hành xác minh điều kiện thi hành án phải là trách nhiệm và nhiệm vụ của cơ quan thi hành án.

Đại biểu đóng góp, tại điểm 1 điều 72 quy định Chấp hành viên lập kế hoạch cưỡng chế trong trường hợp cần huy động lực lượng là không phù hợp. Việc lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án phải do thủ trưởng đơn vị (ngang cấp) ký công văn đề nghị phối hợp liên ngành, không nên để chấp hành viên thực hiện việc này, và đồng thời phải có sự phối hợp hỗ trợ của lực lượng chính quyền địa phương.

Để có trách nhiệm cao hơn trong việc  ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành (điều 30) nhiều đại biểu cho rằng nên giao Tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành, trên cơ sở đó cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) ra quyết định thi hành án đối với từng khoản cụ thể. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên giữ quy định về cơ quan THADS ra quyết định thi hành án như luật hiện hành.

Đối với Luật Căn cước công dân (CCCD), đa số đại biểu cho rằng nên giữ nguyên việc cấp giấy khai sinh cho trẻ khi sinh ra cho tới năm 14 tuổi. Không nên đổi tên CMND mà chỉ nên đổi từ 9 số thành 12 số, vì nếu thay đổi sẽ dẫn đến nhiều khó khăn cho người dân khi thực hiện các vấn đề về dịch vụ công trong xã hội.

Có ý kiến cho rằng nên thay đổi CMND bằng Thẻ CCCD cần phải rút ngắn thời gian, vì trong thời gian giao động dài, việc sử dụng cả 3 loại giấy tờ như giấy khai sinh, CMND, Thẻ căn cước 12 số sẽ dẫn đến nhiều bất cập trong công tác dịch vụ công.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên đổi tên từ CMND thành Thẻ căn cước để phù hợp và thống nhất với Luật căn cước, nhưng cần phải giảm bớt những thủ tục rườm rà không cần thiết như việc quy định cá nhân làm thẻ CCCD phải xuất trình thẻ định danh cá nhân. Bởi nếu đã có quy định công dân khi sinh ra đã có thẻ định danh mà lại có thêm quy định cấp thêm thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi như vậy là không cần thiết.

Các đại biểu cũng cho rằng cần thống nhất các quy định để thuận tiện cho người dân, hướng đến tính phục vụ nhiều hơn chứ không nên quy định để quản lý.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây