Đoàn ĐBQH Tây Ninh: Xây dựng luật trên nguyên tắc xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, quyền và lợi ích của nhân dân

Thứ tư - 24/05/2017 14:00 80 0
Kiên quyết rút khỏi chương trình hoặc yêu cầu lùi thời gian trình để tiếp tục chuẩn bị đối với các dự án chưa bảo đảm chất lượng hoặc không gửi hồ sơ đúng hạn luật định, Quốc hội cần bổ sung nguyên tắc xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đời sống của người dân nhằm kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

dai Phuong.JPG

ĐBQH Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Ngày 23.5, Quốc hội nghe Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.

Theo dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, trong năm 2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội sẽ thông qua 13 luật, 3 nghị quyết, cho ý kiến 5 luật; tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội thông qua 6 luật, cho ý kiến 11 luật. Năm 2018, Chính phủ đề nghị đưa 21 dự án luật...

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung trên. Đoàn ĐBQH Tây Ninh thảo luận tổ cùng với các Đoàn ĐBQH Tuyên Quang, Sơn La và Quảng Trị.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Tây Ninh đề nghị Quốc hội khắc phục triệt để những hạn chế trong công tác xây dựng luật như chương trình vẫn phải điều chỉnh nhiều; chất lượng chuẩn bị của một số dự án còn hạn chế, có dự án còn phải thay đổi khá nhiều về nội dung, phạm vi, đối tượng điều chỉnh; tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết thi hành luật vẫn chưa được khắc phục triệt để, có trường hợp nợ nhiều năm vẫn chưa được ban hành; việc gửi tài liệu của nhiều dự án cho cơ quan thẩm tra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội vẫn chưa bảo đảm thời gian theo quy định…

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương còn cho biết, vừa qua, cử tri phản ánh nhiều về việc luật được ban hành tính khả thi không cao, chưa đi vào thực tiễn đời sống, chưa mang tính ổn định...

Đồng thời đại biểu đề nghị Quốc hội cung cấp thông tin rõ hơn về việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm khi để xảy ra những sai sót trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) để đại biểu Quốc hội có cơ sở trả lời cho cử tri.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị, ngoài 4 nguyên tắc điều chỉnh chương trình năm 2017 và lập chương trình năm 2018 như:  Ưu tiên đưa vào chương trình các dự án, dự thảo để triển khai thực hiện văn kiện Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của các Hội nghị Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện Hiến pháp, các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Xem xét các dự án đã có trong chương trình của các năm trước nhưng chưa chuẩn bị kịp, chuyển tiếp vào chương trình mới; Những dự án, dự thảo được đưa vào chương trình phải có đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có sự đồng thuận cao giữa cơ quan được giao chủ trì thẩm tra và cơ quan trình dự án; Việc đưa các dự án, dự thảo vào chương trình phải tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp Quốc hội và khả năng của các cơ quan có liên quan để bảo đảm chất lượng; Kiên quyết rút khỏi chương trình hoặc yêu cầu lùi thời gian trình để tiếp tục chuẩn bị đối với các dự án chưa bảo đảm chất lượng hoặc không gửi hồ sơ đúng hạn luật định, Quốc hội cần bổ sung nguyên tắc xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đời sống của người dân nhằm kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Đối với Chính phủ, đại biểu Phương đề nghị báo cáo rõ lý do vì sao không đưa dự án Luật Về hội vào chương trình xây dựng luật năm 2017 và 2018, trong khi đã tổ chức lấy ý kiến trước đó. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị xem xét sửa đổi Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21.4.2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội để thuận tiện hơn trong quá trình thực hiện của các hội...

Về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018, đối với nội dung giám sát chuyên đề, đại biểu Phương đề nghị giám sát 2 nội dung: việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; và việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây