Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết kinh doanh cát, sỏi trong lòng hồ Dầu Tiếng trên địa bàn tỉnh

Thứ tư - 12/12/2018 16:00 76 0
Tài nguyên khoáng sản, khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng trong thời gian qua đã được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, chấn chỉnh quyết liệt, từ đó đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý khai thác hiệu quả khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh và tuyên truyền, phổ biến các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về khoáng sản đến người dân, các tổ chức có liên quan để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm. UBND tỉnh vừa ban hành công văn số 3067/UBND-KTN ngày 11/12/2018 yêu cầu các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện liên quan thực hiện một số nội dung sau:

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản, đê điều, công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức cho các cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực khoáng sản, các tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh; Tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các đơn vị đã được cấp phép khai thác cát, sỏi bãi bồi sông; rà soát, kiểm tra, hướng dẫn việc đăng ký khối lượng nạo vét, kết hợp tận thu cát, sỏi của các dự án; kiểm soát mọi hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng.

Thanh tra, kiểm tra theo Thông báo của Chính phủ số 8555/VPCP-V.I ngày 07/9/2018 của UBND tỉnh về hoạt động khai thác cát, sỏi trong khu vực hồ Dầu Tiếng. Đấu tranh ngặn chặn và kiểm soát tình hình hoạt động khai thác cát trái phép trong khu vực hồ Dầu Tiếng; Tham mưu UBND tỉnh hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định. Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích tìm nguồn nguyên vật liệu đầu tư phát triển sản xuất cát nhân tạo sử dụng làm vật liệu xây dựng thay thế cát tự nhiên; từng bước sử dụng vật liệu san lấp tại chỗ, bao gồm sử dụng phế thải công nghiệp, tro, xỉ, các phế thải khác... tiến tới không sử dụng cát tự nhiên (cát sông) làm vật liệu san lấp.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong việc mở, sử dụng bến để tập kết cát, sỏi và thực hiện các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa; yêu cầu các phương tiện đường thủy phải thực hiện nghiêm đăng ký, đăng kiểm và gắn biển đăng ký khi tham gia giao thông đường thủy nội địa; Phối hợp với Công an tỉnh, Công ty TNHH MTV KTTL Dầu Tiếng-Phước Hòa và các ngành, địa phương, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các phương tiện vận chuyển hàng hóa nhưng không đăng ký, đăng kiểm, gắn biển đăng ký và tải trọng khi tham gia giao thông đường thủy nội địa, việc chấp hành quy định của pháp luật về bốc xếp hàng hóa lên phương tiện giao thông đường thủy và đường bộ đúng quy định; Tiếp tục đăng ký, đăng kiểm tàu hút cát của các đơn vị khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng phải đúng, phù hợp với số lượng tàu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thiết kế khai thác.

Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 447/CT-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý tài nguyên khoáng sản, vận động người dân, doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi; bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

UBND huyện Dương Minh Châu, UBND huyện Tân Châu tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tập trung thực hiện các biện pháp bảo vệ, quản lý chặt chẽ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, bảo vệ đê điều theo quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng pháp luật về khoáng sản; Phối hợp chặt chẽ với các địa phương giáp ranh trong việc quản lý khoáng sản nói chung và khai thác cát, sỏi nói riêng; xử lý nghiêm túc các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép; kiểm soát chặt chẽ các bến bãi tập kết cát và vật liệu xây dựng trên địa bàn; Tiếp tục thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép khai thác cát, sỏi và các bãi tập kết cát, sỏi. Nơi nào để tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép và các bãi tập kết cát, sỏi trái phép, không phù hợp với quy hoạch kéo dài, gây bức xúc trong dư luận thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh.

Công ty TNHH MTV KTTV Dầu Tiếng-Phước Hòa tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép trong khu vực quản lý. Chủ động phối hợp chặt chẽ, kịp thời hơn trong công tác kiểm tra giám sát hoạt động này. Quản lý công trình thủy lợi đúng theo quy định; Thường xuyên kiểm tra, giám sát các tàu theo danh sách đã được Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận hoạt động. Trường hợp các tàu hoạt động ngoài danh sách đã được xác nhận thì xử lý nghiêm theo quy định.Trước khi chấp thuận cho tàu của đơn vị có giấy phép khai thác cát vào hồ khai thác phải lấy ý kiến của Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND huyện nơi có mỏ và được UBND tỉnh chấp thuận. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan cấm biển báo tải trọng xe ở những nơi xe thường xuyên đi qua và đi trên đập chính, đập phụ hồ Dầu Tiếng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây