Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà

Thứ năm - 04/08/2016 11:00 37 0
Đó là nội dung được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 – 2020 xác định. Và Ủy ban nhân dân tỉnh cũng vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này.

Trong 5 năm qua (2011-2015), tỉnh luôn quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động và bồi dưỡng cán bộ công chức trong tỉnh, coi phát triển nguồn nhân lực vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hầu hết các nhiệm vụ đề ra trong chương trình hành động đều được các ngành, các cấp quán triệt, quan tâm tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện theo kế hoạch đề ra.

Giai đoạn 2016-2020 mục tiêu chung của Chương trình hành động này được Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra là tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề; gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Hình thành đội ngũ nhân lực đáp ứng đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đồng thời, thực hiện các chính sách để thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, nhất là nhân lực khoa học - công nghệ, cán bộ quản lý, kinh doanh và công nhân kỹ thuật lành nghề. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của tỉnh.

Ngành giáo dục – đào tạo thực hiện chỉ tiêu: Huy động 85% trẻ từ 03 đến 05 tuổi đến lớp; duy trì 99% trẻ 05 tuổi đến lớp; 75% trường mầm non tổ chức loại hình bán trú; giữ vững kết quả nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ; giữ vững chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở tiến tới phổ cập giáo dục trung học tự nhiên và bền vững; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học lên trung học phổ thông và trung cấp nghề đạt 90% trở lên; nâng cao chất lượng giáo dục trường phổ thông Dân tộc nội trú, trường dạy trẻ Khuyết tật; mở rộng phạm vi giáo dục về văn hóa cho đồng bào dân tộc. Xây dựng một số lớp học dành cho trẻ em khuyết tật; phấn đấu đến năm 2020 có trên 70% trẻ khuyết tật đi học các lớp riêng biệt và hòa nhập.

Đối với công tác dạy nghề: Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo chiếm 70%; giảm tỷ lệ thất nghiệp còn 1,8%. Số lao động có việc làm tăng thêm hàng năm khoảng 17.000 lao động.

Về đào tạo nhân lực của bộ máy nhà nước: Phấn đấu đến năm 2020 đạt 100% cán bộ công chức cấp tỉnh, huyện đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định trước khi được bổ nhiệm vào ngạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; ít nhất 80% cán bộ, công chức được cập nhật kiến thức pháp luật, được bồi dưỡng về đạo đức công vụ; 70% được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ; phấn đấu đến năm 2020 có 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn trung cấp trở lên; 90% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn phù hợp với công vụ được giao.

Đến năm 2020, ít nhất 60% viên chức được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; ít nhất 70% viên chức giữ chức vụ quản lý được bồi dưỡng năng lực, kỹ năng quản lý trước khi được bổ nhiệm; ít nhất 60% viên chức được bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn. 100% đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được bồi dưỡng kiến thức pháp luật; kiến thức, kỹ năng và phương pháp hoạt động. Cơ bản đạt chỉ tiêu đào tạo, thu hút nhân tài của tỉnh, trong đó đào tạo nâng cao trình độ (tiến sĩ: 10 người; thạc sĩ: 390 người); thu hút nhân tài khối các cơ quan đảng, đoàn thể và hành chính nhà nước: 50 người. Đến năm 2020 đạt 07 bác sĩ/vạn dân.

Về nâng cao thể lực nhân lực: Phấn đấu đến năm 2020: Tuổi thọ trung bình khoảng 75 tuổi; chiều cao trung bình thanh niên trên 1,65 mét; tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân dưới 12%. Tỷ lệ dân số tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt trên 33%. Số gia đình thể thao đạt trên 25%.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình hành động này.

Các giải pháp được đề ra gồm điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách phát triển nhân lực phù hợp với tình hình thực tế như: Chính sách đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chính sách tài chính và sử dụng ngân sách cho phát triển nhân lực; chính sách việc làm, bảo hiểm, bảo trợ xã hội; chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài; chính sách phát triển thị trường lao động…; Huy động nguồn lực đầu tư phát triển nguồn nhân lực; tăng cường sự phối hợp, hợp tác để phát triển nhân lực; đa dạng hóa hoạt động dạy nghề và học nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm; Tăng cường công tác tuyên truyền về phát triển nhân lực.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh khoảng 1.161,8 tỷ đồng được huy động từ: Trung ương hỗ trợ có mục tiêu: 28 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển của tỉnh, vốn sự nghiệp: 1.133,8 tỷ đồng. Ngoài ra, huy động các nguồn lực từ xã hội hóa để thực hiện Chương trình.

Hoàng Mai

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây